Bí mật tư duy triệu phú Chương 8

Người giàu quyết tâm làm giàu. Người nghèo muốn trở nên giàu có.
Nếu bạn hỏi mọi người là họ có muốn trở nên giàu có hay không, họ sẽ nhìn bạn như bạn bị điên. “Dĩ nhiên tôi muốn được giàu chứ”, họ sẽ nói thế. Tuy nhiên, thực tế là đa số mọi người không thật sự muốn giàu. Tại sao? Bởi vì họ có rất nhiều hồ sơ tài chính tiêu cực trong tiềm thức cho rằng có gì đó không ổn trong việc trở thành người giàu có.
Tại các buổi đào tạo Tư Duy Triệu Phú, một trong những câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho người tham dự là: “Đâu là những điểm tiêu cực của sự giàu có hay việc cố gắng làm giàu?”.
Và sau đây là những gì một số người đã nói ra. Bạn có nhận ra một chút gì đó quen thuộc từ những lời nói này không?
“Nếu như tôi kiếm ra tiền nhưng rồi lại làm mất hết thì sao? Tôi sẽ bị xem là một kẻ thất bại mất thôi.”
“Tôi sẽ không bao giờ biết được liệu mọi người thích tôi vì chính con người tôi, hay chỉ vì tiền của tôi.”
“Tôi sẽ lọt vào nhóm những người đóng thuế cao nhất và phải nộp một nửa tiền của mình cho chính phủ.”
“Tôi phải làm việc quá nhiều.” “Tôi có thể kiệt sức vì cố gắng.”
“Bạn bè và gia đình sẽ nói ‘Anh nghĩ anh là ai chứ?’ và chỉ trích tôi.”
“Mọi người sẽ muốn xin xỏ, dựa dẫm, nhờ vả tôi.” “Tôi có thể bị cướp.”
“Con cái tôi có thể bị bắt cóc.”
“Sẽ có quá nhiều trách nhiệm. Tôi sẽ phải quản lý tất cả số tiền đó, tôi sẽ phải tìm hiểu cặn kẽ về các vụ đầu tư. Tôi sẽ phải thực sự hiểu việc đầu tư. Tôi sẽ còn phải lo lắng về các chiến lược thuế, bảo vệ tài sản, rồi thuê nhân viên kế toán, luật sư cao cấp… Khiếp quá, thật rắc rối!”
Và thế, thế…
Như tôi đã nêu ở phần trước, mỗi chúng ta đều có một hồ sơ thịnh vượng trong tâm trí. Hồ sơ này chứa đựng những niềm tin của riêng chúng ta, bao gồm cả lý do tại sao việc làm người giàu có lại tuyệt vời đến thế. Tuy nhiên, đối với không ít người, hồ sơ này cũng chứa đựng những thông tin liên quan đến nguyên do tại sao sự giàu có lại là điều không nên. Có nghĩa là họ có những thông điệp bị pha trộn bên trong về sự giàu có. Một phần thông điệp này vừa hào hứng nói rằng: “Nếu có nhiều tiền hơn, cuộc sống sẽ thú vị hơn”. Nhưng một phần khác lại hét lên: “Ừ, nhưng tôi sẽ phải kéo cày như một con trâu! Sung sướng
gì đâu cơ chứ?”. Một phần lên tiếng: “Tôi sẽ có cơ hội đi du lịch khắp thế giới”. Rồi phần khác liền nhắc khéo: “Ừ, rồi ai nấy đều xúm lại xin xỏ, nhờ vả ngay cho mà xem”. Những thông tin hỗn tạp này có vẻ chỉ là vô thưởng vô phạt, song trên thực tế, chúng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho đa số mọi người không bao giờ có thể trở nên giàu có.
Bạn có thể nhìn nhận sự việc như sau. Vũ trụ, hay nói cách khác là “sức mạnh siêu nhiên” như là một cơ quan bưu điện khổng lồ nhận đặt hàng qua thư từ. Nó liên tục đem đến cho bạn những con người, sự vật, cơ hội, sự kiện. Bạn đặt món hàng bạn muốn nhận bằng cách gửi thông điệp năng lượng vào vũ trụ trên cơ sở những niềm tin chủ đạo của bạn. Và lần nữa, trên cơ sở Luật Hấp dẫn, vũ trụ sẽ làm tất cả để chấp nhận và ủng hộ bạn. Nhưng nếu bạn gửi những thông điệp bị pha trộn trong cuộc sống của bạn, vũ trụ không thể hiểu bạn muốn gì.
Ngay khi nghe thấy bạn muốn trở nên giàu có, vũ trụ bắt đầu gửi cho bạn những cơ hội làm giàu. Nhưng rồi nó lại nghe bạn nói “người giàu rất tham lam”, nên lại bắt đầu hỗ trợ bạn trong việc không cần có nhiều tiền. Rồi bạn lại nghĩ “Có thật nhiều tiền làm cho cuộc sống vui vẻ hơn”, nên vũ trụ tội nghiệp bị bạn làm ngạc nhiên và lẫn lộn, lại bắt đầu việc gửi bạn những cơ hội kiếm nhiều tiền hơn. Ngày hôm sau bạn đang trong trạng thái không phấn chấn nên bạn nghĩ “tiền bạc chả quan trọng gì”. Vụ trụ bị rối loạn cuối cùng hét lên “Hãy quyết định cho rõ! Ta sẽ cho ngươi
điều ngươi muốn, chỉ cần ngươi nói rõ ngươi muốn gì!”.
Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì. Người giàu biết rất rõ cái họ muốn là sự giàu có. Họ luôn kiên định với mong muốn của mình. Họ quyết tâm, toàn tâm toàn lực cam kết với việc làm giàu. Chỉ cần công việc ấy hợp pháp, có đạo đức và đúng với nguyên tắc xử thế, họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để trở nên giàu có. Người giàu không gửi những thông điệp mâu thuẫn vào vũ trụ. Người nghèo lại thường làm thế.
Nhân tiện, khi bạn đọc đoạn trên, nếu có tiếng nói nhỏ thì thầm trong đầu bạn rằng “người giàu không quan tâm đến việc tuân theo pháp lý, đạo lý và luân lý”, thì bạn nhất định đang làm việc đúng là đọc quyển sách này. Bạn sẽ sớm nhận ra đó là một cách nghĩ có hại cho bạn ra sao.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 14:
Lý do hàng đầu khiến mọi người không có những thứ mình muốn là vì họ không biết thực sự mình muốn gì.
Người nghèo có vô số lý do hay ho để giải thích rằng việc làm giàu và trở nên thật sự giàu có sẽ là một rắc rối. Do đó, họ không dám chắc trăm phần trăm họ có thật sự muốn giàu lên hay không. Thông điệp của họ gửi vào vũ trụ không nhất quán và không rõ ràng. Thông điệp của họ cho người khác cũng mâu thuẫn. Tại sao lại thế? Bởi vì thông điệp của họ với chính mình luôn đầy rối rắm.
Ở trên ta đã nói về sức mạnh của mục tiêu. Tôi biết những điều tôi nói có thể hơi khó tin, nhưng tôi đảm bảo là bạn sẽ luôn có được những điều bạn muốn – những điều bạn muốn trong tiềm thức, chứ không phải là những điều bạn nói bạn muốn. Bạn có thể dứt khoát phủ nhận điều đó: “Thật là điên rồ! Tại sao tôi lại muốn ‘chiến đấu’ để trở nên giàu có chứ?”. Và câu hỏi của tôi dành cho bạn cũng giống y như vậy: “Tôi không biết. Tại sao bạn lại muốn ‘chiến đấu’ để trở nên giàu có chứ?”.
Nếu bạn muốn tìm ra nguyên nhân, tôi mời bạn tham dự khóa đào tạo Tư Duy Triệu Phú, ở đó bạn sẽ xác định kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn. Câu trả lời sẽ hiện diện ngay trên gương mặt bạn. Nhưng nói thẳng ra, nếu bạn không đạt được sự giàu có như mức bạn nói là mình mong muốn thì nhiều khả năng đó là vì trước hết, trong tiềm thức bạn thực sự không muốn giàu có, hoặc thứ hai, bạn không sẵn sàng làm những gì cần thiết để trở nên thật sự giàu có.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này sâu hơn một chút. Có tất cả ba cấp độ mong muốn khác nhau. Cấp độ thứ nhất là: “Tôi muốn trở nên giàu có”. Đây là một cách thể hiện khác của câu: “Tôi sẽ chấp nhận nó nếu nó đến với tôi”. Nhưng chỉ mong muốn không thôi thì vô ích. Bạn có thấy rằng mong muốn không nhất thiết dẫn đến “có
được?” Hãy lưu ý rằng những mong muốn không thành thường khiến cho chúng ta mong muốn nhiều hơn nữa. Lúc đó mong muốn trở thành thói quen và chỉ dẫn đến chính nó, tạo ra một vòng luẩn quẩn không dẫn đến đâu cả. Sự giàu có sẽ không đến từ việc chỉ có ý muốn. Làm sao bạn biết đó là sự thật? Bằng một phép kiểm tra đơn giản: hàng tỷ người muốn giàu có, nhưng chỉ có một số khá nhỏ thật sự trở nên giàu có.
Cấp độ mong muốn thứ hai là: “Tôi chọn sự giàu có”. Mong muốn này thường đi liền với quyết định trở nên giàu có. Sự lựa chọn có năng lượng mạnh mẽ hơn và đi cùng với việc chịu trách nhiệm tạo ra hiện thực. Từ “quyết định” có nguồn gốc từ tiếng La Tinh là decidere, có nghĩa là “tiêu diệt bất kỳ lựa chọn nào khác”. Tuy “chọn lựa” thì tốt hơn “chỉ mong muốn”, nhưng chưa phải là tốt nhất.
Cấp độ mong muốn thứ ba là: “Tôi cam kết trở nên giàu có”. Định nghĩa của từ cam kết là “cống hiến hết mình và không thay đổi”. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn không thay đổi, không quay lại, là cho đi một trăm phần trăm mọi thứ bạn có để trở nên giàu có. Điều đó có nghĩa là bạn sẵn sàng làm những gì cần thiết, dù tốn bao nhiêu thời gian cũng mặc. Đây là cách hành xử của các chiến binh. Không có “xin lỗi”, không “nếu”, không “nhưng”, không “có thể” – và thất bại không là một lựa chọn. Cách nghĩ của chiến binh rất đơn giản: “Tôi sẽ giàu hoặc là tôi sẽ chết trong khi đang cố gắng”.
“Tôi cam kết trở nên giàu có”. Hãy thử nói vậy với bản thân…Cảm giác gì đến với bạn? Đối với một số người, cảm giác như tăng thêm sức mạnh. Với số người khác, cảm giác lại là nản chí.
Hầu hết mọi người đều không thực sự quyết tâm làm giàu. Nếu bạn hỏi họ: “Bạn dám cược bằng cuộc đời mình rằng trong vòng mười năm nữa bạn sẽ giàu có hay không?” thì có lẽ đa số sẽ nói là “Không”. Đó là sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo. Chính xác là vì mọi người không thực sự cam kết trở nên giàu có nên họ không giàu có, và phần lớn sẽ không bao giờ giàu có.
Ai đó có thể nói: “Harv, anh đang nói gì thế? Tôi đã làm việc cật lực, tôi luôn cố gắng hết sức. Tất nhiên là tôi quyết tâm trở nên giàu có”. Và tôi sẽ trả lời: “Anh cố gắng chỉ có ích một chút thôi. Định nghĩa về sự quyết tâm là hy sinh hết mình không đắn đo gì”. Từ mấu chốt ở đây là “hết mình”. Nó có nghĩa là bạn phải từ bỏ mọi thứ mà bạn có để thực hiện quyết tâm ấy. Đa số những người không thành công về mặt tài chính mà tôi từng biết thường có những hạn chế về mức độ sẵn sàng thực hiện, cũng như mức độ chấp nhận rủi ro và mức độ sẵn sàng hy sinh. Mặc dù họ nghĩ rằng mình sẵn sàng trả bất cứ giá nào để trở nên giàu có, nhưng khi đặt vấn đề sâu hơn, tôi thường phát hiện ra rằng họ luôn đưa ra những điều kiện kèm theo khái niệm “sẵn sàng thực hiện” đó thì mới tiến hành!
Tôi ghét phải là người nói với các bạn điều đó, nhưng nỗ lực để trở nên giàu có không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên, và nếu bất cứ ai bảo bạn thế thì hoặc là vì họ không biết gì nhiều hơn hoặc đầu óc họ không được ổn cho lắm. Theo kinh nghiệm của tôi, để trở nên giàu có đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm, lòng dũng cảm, kiến thức, sự tinh thông, toàn bộ tâm huyết của bạn, một thái độ không bao giờ bỏ cuộc, và dĩ nhiên là một đầu óc giàu có. Bạn cũng phải đinh ninh trong tim rằng bạn có thể tạo nên thịnh vượng và rằng bạn tuyệt đối xứng đáng với nó. Một lần nữa, điều đó có nghĩa là, nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ có được nó.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 15:
Nếu bạn không thực sự toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết tạo ra thịnh vượng, nhiều khả năng là bạn sẽ không bao giờ có được nó.
Bạn có sẵn sàng làm việc 16 giờ một ngày? Người giàu sẵn sàng làm thế đấy. Bạn có chấp nhận làm bảy ngày một tuần và hy sinh hầu hết những kỳ nghỉ cuối tuần? Người giàu làm như vậy đấy. Bạn có sẵn sàng hi sinh việc gặp gỡ gia đình, bạn bè, cũng như từ bỏ các sở thích và các kỳ nghỉ của mình? Người giàu làm vậy đấy. Bạn có chấp nhận rủi ro với toàn bộ thời gian, sức lực và cả vốn liếng khởi đầu của mình mà không có bảo đảm sẽ thu về được gì? Người giàu chấp nhận làm thế đấy.
Ít nhất một lần trong đời - dù hy vọng đó sẽ chỉ là quãng thời gian ngắn nhưng thực tế thường là một khoảng thời gian khá dài - người giàu đã chấp nhận và quyết tâm làm, và họ đã làm tất cả những điều trên. Còn bạn thì sao?
Biết đâu bạn sẽ gặp may và bạn sẽ không phải phấn đấu lâu dài, ít vất vả và không phải hy sinh gì cả. Bạn có thể cầu mong điều đó, nhưng tôi không tin lắm. Ngược lại, người giàu đủ quyết tâm để chấp nhận thực hiện mọi điều cần thiết cả một khoảng thời gian dài.
Có một điều thú vị cần ghi nhận là một khi bạn đã cam kết, dường như cả thế giới cũng bị bẻ cong và quay ngoặt lại để ủng hộ bạn. Một trong những đoạn văn yêu thích của tôi là bài viết của nhà thám hiểm W. H. Murray trong một trong những cuộc chinh phục đầu tiên của ông lên dãy Himalaya:
“Khi một người đã quyết thì sự chần chừ, do dự và tất cả những cơ hội thoái lui đều trở nên vô hiệu. Và chính từ thời khắc mà người đó toàn tâm, toàn lực, toàn chí cam kết, mọi điều trên thế giới tự nhiên và siêu nhiên dường như cũng thay đổi theo. Cả một dòng thác những sự kiện, vấn đề, con người, cơ hội xuất hiện, xảy ra theo mong ước của người đó thông qua hàng loạt những biến cố, những cuộc gặp gỡ, những sự hỗ trợ vật chất, tinh thần rất ngẫu nhiên, bất ngờ mà không ai có thể mơ tưởng đến và lý giải được”.
Nói cách khác, cả vũ trụ sẽ hỗ trợ bạn, chỉ lối cho bạn, ủng hộ bạn, và thậm chí là tạo ra những điều kỳ diệu cho bạn. Nhưng trước hết, bạn phải có cam kết!
TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...
“Tôi cam kết trở nên giàu có.” Rồi bạn đặt tay lên trán và nói... “Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ
1. Hãy viết một đoạn văn ngắn nói chính xác, cụ thể tại sao việc làm giàu lại quan trọng đối với bạn. Hãy thật cụ thể.
2. Hãy gặp bạn bè hay những thành viên gia đình sẵn sàng ủng hộ bạn. Hãy nói với họ rằng bạn muốn gợi lên sức mạnh của sự quyết tâm với mục đích tạo ra thành công rực rỡ hơn.
Đặt tay lên ngực bạn, nhìn vào mắt họ và nói: “Tôi,…. (tên bạn), bằng cách này cam kết sẽ trở thành triệu phú hoặc hơn thế cho đến ……………… (ngày, tháng, năm).”
Bảo người nghe trả lời bạn rằng: “Tôi tin vào anh/chị.” Rồi bạn nói: “Cảm ơn.”
Lưu ý: Hãy kiểm tra xem bạn cảm thấy thế nào trước và sau khi cam kết. Nếu bạn cảm thấy sự tự do, nghĩa là bạn đang đi đúng hướng. Nếu bạn thấy hơi lo ngại, bạn cũng đang đi đúng hướng. Còn nếu bạn không quan tâm làm điều đó, nghĩa là bạn vẫn đang trong trạng thái “không sẵn sàng thực hiện những gì cần thiết” hay trạng
thái “tôi không cần thiết làm những trò như thế”. Dù là trạng thái nào, tôi xin nhắc bạn rằng, cách của bạn đã đưa bạn đến đúng cái tình trạng của bạn hiện nay đấy.
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment

Bình Luận

Liên Hệ

Name

Email *

Message *