Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ CHƯƠNG 2

Đọc nhiều – đi nhiều, tích lũy kiến thức giao tiếp
Đọc nhiều, đi nhiều là cách tốt nhất để chúng ta tích lũy tri thức. Người xưa nói: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, chỉ có đọc nhiều, tiếp xúc nhiều với xã hội thì cuộc sống của chúng ta mới có thể trở nên phong phú hơn. Khi năng lực và tri thức được nâng cao, con người sẽ có nhiều kinh nghiệm sống với kiến thức rộng hơn, chính vì vậy mà chúng ta sẽ tích lũy được kĩ năng giao tiếp xã hội.
Người xưa nói: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (Chỉ cần đọc nhiều thì học sẽ thành công, khí chất tài hoa của bản thân sẽ tự nhiên trỗi dậy) . Maxim Gorky cũng nói: “Học vấn thay đổi khí chất”. Từ đó có thể thấy, tri thức là khí chất, là suối nguồn của tinh thần, cũng là nền tảng quan trọng mang tới mọi đề tài trong giao tiếp giữa con người với con người.
Mặc dù đọc sách là một việc làm đáng quý, nhưng nếu chỉ đọc mà không trải nghiệm thực tế thì những điều sách mang lại chỉ là những tri thức vô nghĩa. Do đó, trước khi giao tiếp với mọi người, nhất thiết phải chuẩn bị những đề tài mang tính chất tri thức, đương nhiên, nguồn đề tài có thể từ cuộc sống, cũng có thể từ sách vở, sau đó hãy ghi nhớ chúng và vận dụng thích hợp trong mọi hoàn cảnh.
Lợi ích của việc đọc sách
Đa số các nhà diễn thuyết đều rất yêu thích việc đọc sách, mỗi ngày ít nhất họ cũng phải đọc một tờ báo. Có người cho rằng: “Để có thể giao tiếp với mọi người tốt hơn, tìm được đề tài thích hợp thì nhất định phải am hiểu tin tức. Để am hiểu tin tức thì nhất định phải đọc nhiều sách”. Chỉ có cách tích lũy tri thức như vậy mới giúp chúng ta giao tiếp tự tin.
“Đọc” là sự chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện. Các loại sách báo tạp chí đều mang đến cơ hội để chúng ta tìm hiểu về tình hình của một công ty hoặc một nhân vật tầm cỡ nào đó, cho dù nhớ hay không nhớ đã đọc nó ở đâu, thì điều đó cũng không quan trọng trong cuộc gặp. Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua các loại sách báo nằm ngoài lĩnh vực công việc của mỗi người, bởi chúng sẽ giúp mọi người hiểu thêm về thế giới, giúp chúng ta thành công trong giao tiếp xã hội.
Báo chí có thể cung cấp những thông tin về đề tài cuộc sống, ví dụ như giao thông, thời tiết, thời cuộc, và cả những tin tức địa phương. Thời tiết là đề tài tuyệt vời nhất, bởi đó là thứ gần gũi nhất với con người, nếu thời tiết bất thường thì có thể dùng nó làm đề tài nói chuyện: miền Nam lũ lụt, miền Trung bão cát, thời tiết nắng nóng… tất cả đều có thể trở thành đề tài cho một cuộc trò chuyện.
Vậy, các chuyên gia giao tiếp thường đọc báo như thế nào?
Hãy đọc kĩ danh mục những tin tức chính.
Đọc từ đầu, đọc và nắm được chủ đề của mỗi trang tin tức.
Đọc đoạn đầu của những tin hay hoặc tin quan trọng. Thông thường thì đoạn đầu của một trang tin tức sẽ nói tổng quát về sự kiện mà trang tin đó sẽ đề cập đến.
Đánh giá xem tin tức có quan trọng không, có mang lại hứng thú cho bạn hoặc người nghe hay không.
Khi đọc một tờ báo, bạn không những phải nắm được những tin tức vĩ mô, tin thể thao hoặc tin kinh tế, mà còn phải nắm được những tin tức văn hóa về nơi mình đang sinh sống.
Nếu như bạn đã xem tin tức quốc tế hoặc tin tức trong nước trên một tờ báo toàn quốc, thì để tránh mất thời gian, bạn nên bỏ qua những tin tức này trên các tờ báo địa phương.
Sau khi đọc báo, biết được những chuyện mới xảy ra ở địa phương, ở trong và ngoài nước, đồng thời cũng biết hiện đang có cuộc thi gì, sự kiện giải trí gì, nắm được tình hình thời tiết… Bạn sẽ phải sử dụng những thông tin này như thế nào? Dưới đây sẽ là một số gợi ý giao tiếp sử dụng thông tin từ báo chí:
Anh đã vượt qua bão tuyết như thế nào? Anh dọn tuyết hết bao lâu?
Chị làm thế nào để giữ ấm?
Anh nghĩ đội nào sẽ vô địch? Tôi thích đội bóng XX, anh có hâm mộ đội XX không?
Đây là lần đầu tiên bạn tham gia đại hội toàn quốc phải không?
Sao bạn thích nghề này?
Anh có hay đi câu cá không? Anh thích câu cá ở đâu?
Sau khi hỏi xong câu hỏi, bạn có thể thêm 1 câu nói nữa: “Vậy anh/chị nghĩ như thế nào?”
Cho dù bạn chưa nắm vững về các đề tài, chỉ cần hằng ngày chịu khó đọc sách, chắc chắc bạn có thể giao tiếp thành công. Trên thực tế, chỉ cần hiểu được các tri thức liên quan, có hiểu biết ở mức độ nhất định các chủ đề hoặc có thể đưa ra câu hỏi khéo léo thì khi giao tiếp, bạn sẽ không khó để chia sẻ thông tin với những người khác.
Chia sẻ với mọi người
Chẳng phải bạn vẫn thường nói: “Việc này tôi biết, nhưng tôi không nhớ (biết) nó ở đâu”?
Khi bạn muốn nhớ một điều gì đó quan trọng, một câu nói hay hoặc một bài viết thú vị, có một cách rất hay là: Đọc, ghi nhớ, viết lại. Đừng quên viết rõ thời gian và nơi bạn biết điều đó. Nhiều khi, đó chính là nguồn đề tài cho một cuộc nói chuyện thú vị.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chia sẻ thông tin cho người khác, cùng xem những bài viết thú vị, những đề tài hay để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Chỉ cần sau khi trích dẫn lại bài viết đó, bạn viết thêm những lời nhắn như “Đọc nó làm tôi nhớ đến bạn”, “Chúc bạn luôn thành công”, “Gửi tặng bạn, hãy chia sẻ nó với người khác”…
Có thể bạn cho rằng đó không phải là giao tiếp, nhưng trên thực tế đây là một cách khác để truyền tải thông tin. Nó thể hiện: “Tôi lắng nghe bạn, không chỉ nhớ đến bạn mà còn rất tôn trọng bạn. Do đó tôi đã trích dẫn bài viết này để gửi tới bạn”.
Cho dù bạn có trực tiếp tham gia vào một hoạt động nào hay không, nhưng bạn cũng nên nắm được kiến thức về vấn đề đó. Đừng nghĩ rằng phụ nữ không cần biết thông tin về thể dục thể thao, tương tự nam giới cũng nên đọc về cuộc sống, hiểu về thông tin xã hội, phim ảnh, nghệ thuật… Như vậy giao tiếp giữa nam và nữ sẽ có những điểm tương đồng, có thể tìm được đề tài chung khi nói chuyện.
Đọc nhiều, viết nhiều, rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông
“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”. Không có con đường tắt dành cho những người muốn trở thành nhà diễn thuyết. Bạn cần coi việc rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông là một mục tiêu và dần dần từng bước thực hiện mục tiêu đó. Điều này đòi hỏi bạn không ngừng học tập, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Đầu tiên, bạn cần có khả năng nói tốt để bản thân có một vị trí vững trong xã hội. Để làm được điều này, mỗi ngày bạn đều phải rèn luyện cách nói chuyện, tập luyện phong thái và học cách nói thuyết phục. Ngoài ra bạn phải đọc sách về các danh nhân, đọc những cuốn sách mà họ viết, cho dù là cổ điển hay hiện đại. Hãy tự nói với mình rằng, bạn phải học được bản lĩnh nói chuyện từ trong các cuốn sách.
Khi đọc sách để nâng cao năng lực diễn thuyết, phải đặc biệt chú ý tới cách sử dụng từ ngữ. Vừa phải đọc và vừa nghĩ: Phải làm thế nào để thể hiện tốt hơn? Có cần sự thay đổi nào không? Và sử dụng cách nói nào trong tình huống nào là thích hợp nhất?
Cùng nói về một việc, nhưng với mỗi tác giả sẽ có một cách diễn tả khác nhau. Mỗi người đọc cũng sẽ có cảm nhận không giống nhau. Cần phải đặc biệt chú trọng tới điều này. Cho dù nội dung có hay thế nào, nhưng nếu cách sử dụng ngôn ngữ không đặc sắc, không có phong cách thì tác phẩm sẽ không để lại ấn tượng đẹp, người đọc sẽ nhanh bị nhàm chán.
Tóm lại, cần phải không ngừng học tập tri thức trong sách vở, trong xã hội. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và bắt đầu ngay bây giờ. Chỉ cần bạn không ngừng học tập, bạn sẽ trở thành một chuyên gia giao tiếp với những đề tài nói chuyện đa dạng, phong phú.
Kiến thức bác học trong giao tiếp
Trong giao tiếp, nếu bạn có kinh nghiệm cuộc sống phong phú và vốn kiến thức uyên bác thì sẽ không khác gì “hổ mọc thêm cánh”. Kiến thức uyên bác sẽ giúp ích cho bạn trong mọi tình huống, giúp bạn tham gia vào mọi chủ đề, bạn sẽ như “cá gặp nước” trong cuộc nói chuyện.
Ví dụ như khi diễn thuyết, trên thế giới không một ai có thể có một bài diễn thuyết hoàn hảo nếu không chuẩn bị trước, bởi vì nội dung diễn thuyết không thể bê nguyên xi từ bất cứ nguồn tư liệu nào, cũng không có sự sẵn sàng về mặt tư tưởng. Do đó, có rất ít người có thể tự tin, ung dung nói chuyện trước đám đông trong điều kiện không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Và những người này đều rất được hoan nghênh.
Làm thế nào để có thể có được kiến thức uyên bác và vận dụng hiệu quả trong lời nói, nâng cao khả năng giao tiếp?
Kiến thức chủ yếu đến từ hai nguồn là sách vở và cuộc sống. Thế nhưng không thể rập khuôn, áp dụng kiến thức một cách máy móc mà cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sự uyên bác của một người không nằm ở chỗ người đó biết về mọi việc mà là ở chỗ người đó nhìn nhận và lí giải sự việc như thế nào.
Nếu bạn muốn rèn luyện bản thân, tu thân dưỡng tính bên cạnh việc tích lũy tri thức, những cuốn sách sau đây sẽ giúp ích cho bạn:
Sách tri thức: “Thế giới của Sophia”, “Giới tính thứ hai”…
Tu thân: “Tây sương kí”, “Cuốn theo chiều gió”, “Jane Eyre”, “Bà Bovary”, “Anna Karenina” “Trà hoa nữ”, “Kiêu hãnh và định kiến”…
Dưỡng tính: “Lá cỏ” (Leaves of Grass ), “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, “Thương nhớ Mười Hai”…
Đương nhiên trong cuộc sống, nội dung các cuộc trò chuyện còn có thể đề cập đến lịch sử, những cuốn sách sau sẽ giúp bạn có thêm kiến thức lịch sử: Việt Nam sử lược, Ngàn năm áo mũ, Nhật kí Đặng Thùy Trâm…
Chỉ cần đọc nhiều sách là bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Nếu nắm vững nội dung sách, bạn sẽ có rất nhiều chủ đề cho một cuộc nói chuyện thú vị.
Thời nhà Thanh, Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân là quan cùng triều, không cần nói, ai cũng biết Kỉ Hiểu Lam là một tài tử, ông đã đọc rất nhiều sách. Thực tế, Hòa Thân cũng là một người có trình độ văn hóa rất cao, nếu không thì sao ông có thể ở bên cạnh vua Càn Long trong nhiều năm như vậy. Chúng ta hãy xem xem hai vị bác học này thể hiện thế nào trước vua Càn Long.
Một ngày, vua Càn Long cùng với Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam đến nghỉ dưỡng tại núi Thừa Đức, ba người cùng đi bộ ngắm cảnh trong vườn.
Càn Long biết Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng nên có ý muốn hòa giải.
Lúc này, đột nhiên vua Càn Long hỏi:
“Cái gì cao? Cái gì thấp? Cái gì đông? Cái gì tây?” Kỉ Hiểu Lam đương nhiên không muốn bỏ lỡ cơ hội thể hiện mình trước Hoàng Thượng nên đã trả lời trước: “Quân vương cao, thần tử thấp, văn ở phía đông, võ ở phía tây”.
Hòa Thân thấy Kỉ Hiểu Lam tranh trả lời trước nên rất bực mình, nhưng không còn cách nào, ông cũng đành tán đồng.
Ba người đi lên một cây cầu, Càn Long yêu cầu Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam lấy nước làm đề tài để sáng tác một bài thơ. Sau khi nghe xong, Kỉ Hiểu Lam lại tranh trả lời trước, ông đã đọc ngay một bài thơ với ngụ ý ví Hòa Thân chỉ như một con gà.
Sau khi nghe xong bài thơ của Kỉ Hiểu Lam, Hòa Thân rất tức giận và ngay lập tức sáng tác một bài thơ đáp trả với ngụ ý cảnh cáo Kỉ Hiểu Lam không nên nhiều chuyện, nếu không sẽ có kết thúc không tốt đẹp.
Nghe xong hai bài thơ của Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân, Càn Long biết hai người vẫn ở thế đối đầu. Nhưng ông cũng nghĩ, đối với việc quốc gia, đó chưa hẳn là chuyện không tốt. Vua Càn Long chỉ mỉm cười không nói gì và từ bỏ ý định hòa giải hai người.
Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân đã cho thấy cái tài của mình trong từng câu thơ, nếu hai người không có trình độ cao thì không thể nói ra những câu nhằm công kích đối phương như vậy. Hai người cũng sẽ không thể tự tin mà đối đáp nhau trước vua Càn Long – một người có trình độ học vấn thâm sâu.
Đương nhiên, ngoài những kiến thức trong sách vở, kiến thức trong cuộc sống cũng vô cùng quan trọng. Cho dù là giao tiếp nội bộ hay ngoại giao giữa các quốc gia, đều là việc cần phải học tập. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể nắm được điểm yếu của đối phương và đạt được mục đích của mình trong hoạt động xã giao.
Sau đây là câu chuyện Mai Nhữ Ngao đại diện cho Trung Quốc tham gia phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản.
Tháng 7 năm 1945, bốn quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Liên Xô đã thành lập tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông tại Nhật Bản để xét xử tội phạm chiến tranh. Mai Nhữ Ngao đã tham gia phiên tòa với tư cách là một quan tòa của Trung Quốc.
Trước khi diễn ra phiên tòa, giữa các nước đã diễn ra tranh chấp về thứ tự ghế ngồi.
Các bên tranh luận không ngừng về vị trí ghế ngồi đầu tiên bên tay trái.
Mai Nhữ Ngao ý thức được mình đang đại diện cho hàng triệu người dân Trung Quốc và hàng trăm nghìn chiến sĩ đã hi sinh đến tòa án quốc tế Viễn Đông để xét xử tội phạm chiến tranh. Khi đó, mặc dù Trung Quốc được coi là một trong những cường quốc của thế giới, nhưng thực ra chỉ là hư danh. Trong tình huống phải đối mặt với tám vị quan tòa đang tranh luận sôi nổi, vì thể diện quốc gia, Mai Như Ngao cũng quyết không nhượng bộ. Ông đã nói trước tất cả mọi người: “Nếu là vị trí của cá nhân tôi, thì tôi không để ý, nhưng là đại diện của một quốc gia, tôi cần phải xin chỉ thị của chính phủ”.
Câu nói của Mai Nhữ Ngao đã khiến các vị quan tòa sửng sốt. Thiết nghĩ, nếu quan tòa của các nước đều xin chỉ thị quốc gia, vậy phải thảo luận đến bao giờ mới tìm ra cách giải quyết? Đến bao giờ mới sắp xếp được vị trí chỗ ngồi? Thấy vậy, Mai Nhữ Ngao đã lên tiếng nói rõ quan điểm của mình, “Ngoài ra, tôi cho rằng thứ tự chỗ ngồi của các nước trong phiên tòa nên căn cứ theo thứ tự đầu hàng mà sắp xếp là hợp lí nhất. Trong phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản hôm nay, Trung Quốc là nước bị hại nhiều nhất, thời gian kháng chiến cũng dài nhất, hi sinh về người cũng lớn nhất. Do đó, đất nước Trung Quốc với lịch sử tám năm kháng chiến đẫm máu nên xếp thứ hai”.
Thế nhưng, một ngày trước khi diễn ra phiên tòa, chánh án phiên tòa đột nhiên tuyên bố thứ tự được xếp như sau: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên Xô… Mai Nhữ Ngao thấy rằng, nếu không đấu tranh trong phiên tòa trù bị thì thứ tự trong phiên tòa chính thức vẫn sẽ như vậy. Ông lập tức phản đối, cởi áo choàng đen và không bước lên vị trí. Ông nói: “Mặc dù hôm nay chỉ là phiên tòa trù bị nhưng có rất nhiều phóng viên nhà báo đến dự. Nếu ngày mai đăng báo thì trù bị sẽ trở thành sự thật. Nếu các vị không phản đối, tôi yêu cầu biểu quyết về ý kiến của tôi. Còn nếu không tôi sẽ không tham gia phiên tòa, tôi sẽ về nước và xin từ chức”.
Chánh án phiên tòa đành phải tiến hành biểu quyết, cuối cùng vị trí chỗ ngồi trong phiên tòa được sắp xếp lại như sau: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Canada, Pháp…
Câu chuyện trên cho thấy Mai Nhữ Ngao đã vận dụng kinh nghiệm và kiến thức xã hội phong phú trong lời nói khiến đại diện các quốc gia khác phải tâm phục khẩu phục và đồng ý sắp xếp vị trí chỗ ngồi theo đề xuất của ông. Nếu Mai Nhữ Ngao không hiểu tầm quan trọng của vị trí ngồi, nếu ông không hiểu được bản chất của việc các nhà báo đến phiên tòa trù bị thì ông đã không thể thành công.
Có thể thấy, nếu muốn có được khả năng ăn nói hơn người, muốn chiếm được thế chủ động trong giao tiếp thì bạn phải liên tục tích lũy tri thức, không ngừng vận dụng thực tế, học tập và sáng tạo. Chỉ cần có kiến thức uyên bác, hiểu biết xã hội sâu rộng thì bạn sẽ luôn có nguồn đề tài phong phú và thành công trong giao tiếp.
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment

Bình Luận

Liên Hệ

Name

Email *

Message *