Vốn dĩ sữa bò chỉ là đồ uống cho bê con mà thôi. Do đó, các thành phần trong sữa cũng đều là các thành phần thích hợp cho sự phát triển của bê con. Những thứ cần thiết cho sự phát triển của bê con không có nghĩa là nó cũng hữu ích cho con người.
Thứ nhất, chỉ cần nhìn vào tự nhiên bạn sẽ thấy, dù là loài động vật nào chăng nữa, cũng chỉ có những con non mới sinh không lâu mới uống sữa.
Trong tự nhiên, không tồn tại một loài động vật nào sau khi trưởng thành vẫn còn uống "sữa". Đó chính là quy luật tạo hóa của thiên nhiên. Chỉ có con người là đang cố tình uống các loại sữa bị oxy hóa của các loài động vật khác. Và tất nhiên, như vậy là đi ngược lại quy luật của tự nhiên.
Tại Nhật Bản, trong các bữa ăn ở trường, trẻ em bắt buộc phải uống sữa bò. Bởi người ta cho rằng sữa bò chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu có ai đó cho rằng sữa bò giống với sữa mẹ thì đấy là sai lầm lớn.
Tất nhiên, nếu liệt kê các loại dinh dưỡng có trong hai loại sữa này ta sẽ thấy chúng có vẻ giống nhau. Bởi cả sữa bò và sữa mẹ đều chứa các chất dinh dưỡng giống nhau như protein, chất béo, đường, sắt, canxi, phot pho, natri, kali, vitamin... Tuy nhiên, xét về "chất" và "lượng" thì chúng hoàn toàn khác nhau.
Thành phần chính của protein trong sữa bò là casein. Và như đã nói ở trên, chất này là một chất khó tiêu hóa với hệ tiêu hóa của người. Ngoài ra, trong sữa bò còn có chất "lactoferrin", chất chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch nhưng hàm lượng lactoferrin trong sữa mẹ lại nhiều hơn rất nhiều trong sữa bò. Hàm lượng lactoferrin trong sữa mẹ vào khoảng 0,15%, trong khi đó hàm lượng này trong sữa bò là 0,01%.
Như vậy, các thành phần trong sữa bò, sữa dành cho bê con, và sữa mẹ, sữa dành cho em bé, hoàn toàn khác nhau. Điều đó có nghĩa là mặc dù cùng là "trẻ con", nhưng nếu khác loài thì các chất cần thiết cũng khác nhau. Vậy, nếu là "người lớn" uống thì sẽ thế nào?
Lactoferrin có trong sữa bò rất kém bền với axit dạ dày, thế nên nếu người trưởng thành uống, dù là uống sữa chưa được gia nhiệt để tiệt trùng, thì lactoferrin cũng sẽ bị phân giải bởi axit dạ dày. Điều này cũng xảy ra với lactoferrin trong sữa mẹ. Các em bé mới sinh có thể hấp thu hoàn toàn lactoferrin trong sữa mẹ là do dạ dày chưa phát triển hoàn toàn do đó lượng axit dạ dày tiết ra còn ít. Hay nói cách khác, dù cùng là "sữa người" đi chăng nữa, đây cũng không phải là sữa để người trưởng thành nên uống.
Như vậy, dù có là sữa bò tươi thì sữa bò cũng không phải là thực phẩm phù hợp với con người. Loại sữa tươi ban đầu vốn là "thực phẩm không tốt lắm" sau khi bị chúng ta thực hiện đồng hóa, tiệt trùng ở nhiệt độ cao đã biến thành "thực phẩm có hại". Và chúng ta đang bắt những đứa con thân yêu của mình phải uống loại thực phẩm có hại này dưới hình thức suất cơm trường học.
Một vấn đề nữa xảy ra là rất ít người Nhật có đủ enzyme "lactase", enzyme phân giải đường lactose. Loại enzyme này nằm trong niêm mạc ruột. Khi còn là em bé, hầu hết mọi người đều có đủ loại enzyme này, nhưng càng lớn, lượng enzyme này càng giảm. Có nhiều người khi uống sữa bụng sẽ sôi òng ọc, tiêu chảy... đó là do cơ thể thiếu enzyme lactase nên không phân giải được lactose gây nên. Những người hoàn toàn không có hoặc có rất ít loại enzyme này sẽ mắc phải chứng "không dung nạp lactose". Người hoàn toàn không dung nạp lactose không có quá nhiều, nhưng lượng người thiếu enzyme này chiếm khoảng 85% toàn Nhật Bản.
Lactose là loại đường chỉ có trong "sữa" của động vật có vú. Bản chất của "sữa" vốn chỉ là thức uống cho con non mới sinh. Kể cả với người Nhật, nơi phần đông người dân thiếu enzyme lactase, các em bé khỏe mạnh cũng có đầy đủ enzyme lactase trong cơ thể. Hơn nữa, lượng lactose trong sữa mẹ chiếm khoảng 7%, trong khi đó lượng lactose trong sữa bò chỉ chiếm 4 - 5%. Theo tôi, con người vốn dĩ có thể uống được sữa mẹ chứa nhiều lactose, nhưng sau khi lớn lên lại mất dần đi enzyme lactase là do "sữa" không phải là thức uống sau khi trưởng thành. Và đây chính là quy luật của tự nhiên.
Chính vì vậy, với những ai thích uống sữa, hãy chọn loại sữa không bị đồng hóa, được thanh trùng ở nhiệt độ thấp và chỉ nên thỉnh thoảng uống chúng thôi. Với những ai ghét mùi vị của sữa, đừng cố ép mình uống các loại sữa này. Bởi dù có uống sữa bò thì cũng chẳng có gì tốt cho sức khỏe cả.
No comments:
Post a Comment