KHÁM PHÁ MÔ HÌNH TRÍ NHỚ
Bạn có biết rằng trí nhớ có một mô hình hoạt động nhất định không? Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu tại sao có những lúc bạn có thể học dễ dàng hiệu quả, trong khi có những lúc bạn lại cảm thấy đầu óc như bị bão hòa không thể tiếp thu thêm nữa.
Bạn hãy cùng tôi làm một thử nghiệm ngắn sau đây. Nó sẽ giúp bạn khám phá mô hình trí nhớ của riêng bạn. Bạn hãy đọc danh sách các từ bên dưới, chỉ đọc một lần duy nhất và không sử dụng bất kỳ nguyên tắc Trí Nhớ Siêu Đẳng nào. Sau đó, bạn hãy cố gắng hết sức để nhớ lại càng nhiều từ càng tốt.
Bây giờ, không nhìn lại danh sách trên, bạn hãy viết ra càng nhiều từ càng tốt. Bạn không cần phải viết đúng thứ tự.
Bạn có thể bỏ sót rất nhiều từ, nhưng hãy nhìn kỹ lại những từ bạn nhớ được và viết ra. Tại sao bạn nhớ một số từ này mà không phải những từ khác? Nếu bạn xem xét thật kỹ, bạn sẽ phát hiện một mô hình trong cách nhớ của bạn. Nói chung, trong bất kỳ thời điểm nào, bạn sẽ có khuynh hướng:
- Nhớ những thông tin trong khoảng thời gian vừa bắt đầu học. Do đó, bạn có thể đã viết được 3-5 từ đầu tiên.
- Nhớ những thông tin trong khoảng thời gian gần kết thúc việc học. Bạn có thể đã viết được 3-5 từ cuối.
- Nhớ những thông tin được lặp lại. Ví dụ: “là”, “cái”.
- Nhớ những thông tin nổi bật. Bạn có thể dễ dàng nhớ từ “ông già Nôen”.
- Nhớ những thông tin liên quan với nhau. Bạn có thể nhớ hai từ “trái” và “phải”.
Dưới đây là biểu đồ minh họa về “phần trăm thông tin nhớ được trong một khoảng thời gian”.
Chúng ta có thể thấy từ biểu đồ trên, trong bất kỳ một khoảng thời gian hai tiếng học nào (nhóm A), luôn luôn có hai đỉnh điểm ghi nhớ thông tin, thời gian lúc bắt đầu học và thời gian sắp kết thúc việc học. Giữa lúc học, có một khoảng thời gian mà khả năng trí nhớ chúng ta bị suy giảm rõ rệt. Do đó, trong bất kỳ khoảng thời gian học nào, bạn sẽ quên rất nhiều thông tin đã học vào khoảng giữa này. Thời gian học càng lâu bao nhiêu, khoảng thời gian trí nhớ suy giảm càng dài bấy nhiêu.
Nếu bạn phải học liên tục trong hơn hai tiếng (nhóm B), bạn chỉ có duy nhất một khoảng thời gian đỉnh điểm để ghi nhớ thông tin. Điều này khiến bạn lãng phí thời gian. Đây là lý do tại sao có những lúc bạn cảm thấy trí nhớ như bị bão hòa và không thể tiếp thu thêm nữa.
HỌC TRONG BAO LÂU LÀ TỐI ƯU
Các nghiên cứu cho thấy thời gian học lý tưởng nhất trong mỗi lần học không nên dài quá hai tiếng. Mỗi lần học này nên được chia thành bốn phần nhỏ dài 25 phút mỗi phần. Giữa các phần, bạn nên nghỉ ngơi khoảng năm phút.
Trong lúc nghỉ ngơi, bạn nên làm vài động tác thể dục đơn giản. Sau mỗi lần học dài hai tiếng, bạn nên thư giãn ít nhất nửa tiếng trước khi bắt đầu học lại.
Bằng cách này, bạn sẽ có được tám đỉnh điểm ghi nhớ thông tin và những khoảng thời gian trí nhớ suy giảm ngắn đi rất nhiều (xem biểu đồ bên dưới). Kết quả là bạn có khả năng ghi nhớ thông tin tốt hơn cũng như thời gian học được tận dụng một cách hiệu quả nhất.
“NHỒI NHÉT” KHÔNG HIỆU QUẢ
Nhiều học sinh tin rằng việc ôn bài sớm chỉ vô ích vì họ sẽ quên hết trước khi thi và phải học lại từ đầu. Những học sinh này cho rằng chỉ nên ôn bài cho mỗi môn học trong năm ngày trước khi thi môn đó. Chính vì thế, họ thường không ôn được hết bài hoặc chỉ ôn được một lần trước khi thi. Kết quả là họ không thể nào đạt điểm cao vì họ không hiểu rõ bài và phạm những lỗi bất cẩn đáng tiếc do quá căng thẳng.
Với tôi, đây là một cách học “tự sát” vì nó đi ngược lại tất cả những nguyên tắc của việc học hiệu quả. Việc ôn bài vào phút cuối, “nước đến chân mới nhảy” thường cần một khoảng thời gian học dài liên tục không được nghỉ ngơi. Do đó, khả năng ghi nhớ cũng như hiệu quả học tập bị giảm sút trầm trọng.
Hơn nữa, kiến thức mà học sinh thu thập được vào lúc này thường rất lộn xộn. Trước khi đầu óc họ có cơ hội để sắp xếp, tổng hợp những gì họ vừa học, những thông tin mới đã đan xen với những thông tin cũ tạo nên một mớ rối rắm lùng bùng.
Vậy thì, nếu bạn phải chuẩn bị bài sớm và rải đều suốt quá trình học, bạn phải làm thế nào để duy trì trí nhớ ở phong độ tốt nhất cho đến ngày thi? Câu trả lời nằm ở việc ôn bài.
Nhiều học sinh nghĩ rằng việc ôn bài làm lãng phí thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn có một kế hoạch ôn bài hợp lý cùng với Sơ Đồ Tư Duy, bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian so với cách học bình thường. Không những thế, khi bạn ôn bài nhiều lần, bạn sẽ hiểu bài hơn, ghi nhớ thông tin nhiều hơn và tăng kỹ năng áp dụng kiến thức.
Thông thường, chúng ta có thể biết khái niệm và cách giải quyết một vấn đề, nhưng trong kỳ thi, chúng ta lại đâm ra lúng túng và phạm lỗi. Lý do là vì chúng ta chưa đạt đến trình độ áp dụng kiến thức không cần suy nghĩ. Cách duy nhất để chúng ta đạt đến trình độ này là phải biết cách ôn bài.
BẠN SẼ QUÊN 80% THÔNG TIN MỚI TRONG VÒNG 24 GIỜ
Nghiên cứu cho thấy nếu bạn không ôn bài trong vòng 24 giờ sau khi học, bạn sẽ quên 80% kiến thức vừa học.
Đây là lý do tại sao nhiều học sinh thường than phiền họ quên gần hết mọi thứ trước kỳ thi. Những nỗ lực ôn bài trước kỳ thi giống như học lại từ đầu. Việc ôn bài này tốn thời gian cũng nhiều như lúc học ban đầu vì họ đã quên hầu hết các thông tin cần học.
Điều này có nghĩa là chúng ta nên ôn bài vào đúng thời điểm trí nhớ chúng ta đang ở đỉnh cao. Bằng cách này, việc ôn bài được hoàn tất trong một thời gian ngắn, và giúp những liên kết thông tin trong não trở nên bền vững hơn.
CÁCH ÔN BÀI HIỆU QUẢ
Việc ôn bài nên diễn ra trong một khoảng thời gian cụ thể sau mỗi lần học. Lần ôn bài đầu tiên nên bắt đầu sau khi học 10 phút. Các nghiên cứu cho thấy khả năng nhớ bài thường đạt đỉnh điểm sau khi học 10 phút rồi sau đó giảm từ từ. Những lần ôn bài tiếp theo nên lần lượt diễn ra sau 24 giờ, sau một tuần, một tháng, và sau ba đến sáu tháng. Thời gian biểu này giúp trí nhớ của bạn luôn ở đỉnh cao. Biểu đồ dưới đây tóm tắt lại thời gian biểu ôn bài tối ưu nhất.
Lý tưởng nhất là bạn nên lên kế hoạch thời gian ôn bài sao cho giai đoạn ôn bài cuối cùng rơi vào một ngày trước ngày thi. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc nhiều vào kế hoạch ôn bài của bạn và số lượng môn học bạn đang học.
VIỆC ÔN BÀI GIÚP BẠN TIẾT KIỆM THỜI GIAN
Có thể bạn nghĩ rằng: “Nếu mình làm theo phương pháp này, có phải là mình sẽ tốn rất nhiều thời gian hơn so với cách ôn bài một lần trước khi thi không?” Câu trả lời là “KHÔNG”.
Xin nhớ rằng, nếu bạn làm theo phương pháp học truyền thống là học một lần và ôn lại một lần trước khi thi, bạn đã quên 80-90% kiến thức trước khi ôn bài. Như thế, việc ôn bài của bạn cũng tốn nhiều thời gian như lúc bạn học ban đầu. Không những thế, việc ôn bài như vậy cũng không hề củng cố lại những gì bạn đã học mà chỉ đơn thuần là học lại những gì bạn đã quên.
Do đó, nếu thông thường bạn mất khoảng hai tiếng để học xong một chương sách, bạn sẽ phải cần gần hai tiếng nữa để ôn lại nó. Vậy là bạn cần khoảng gần bốn tiếng để học và ôn lại chương đó
Nếu bạn ôn bài bốn lần trước khi thi, việc học lúc đầu của bạn sẽ tốn hai tiếng nhưng các lần ôn bài sau khi học 10 phút, 24 giờ, một tuần, một tháng, và trước khi thi chỉ mất 10-15 phút mỗi lần. Lý do là vì bạn ôn bài vào đúng những thời điểm mà kiến thức vẫn còn rất dễ tìm trong trí nhớ.
Nếu bạn cộng tất cả thời gian học và ôn bài lại, bạn chỉ mất khoảng ba tiếng, nghĩa là ít hơn cách học truyền thống gần một tiếng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là khả năng lĩnh hội kiến thức của bạn lại tốt hơn gấp bốn năm lần so với cách ôn bài truyền thống vì bạn đã ôn bài trong lúc bạn còn nhớ rõ thông tin.
Ôn bài 4-5 lần | Ôn bài một lần | |
Thời gian học và ôn | 3 tiếng | 4 tiếng |
Khả năng hiểu bài | ít nhất 4 lần | 1 lần (hoặc ít hơn) |
Xin chúc mừng bạn! Bạn đã được học hai phương pháp học hiệu quả nhất, đó là Sơ Đồ Tư Duy và hệ thống Trí Nhớ Siêu Đẳng. Bạn chắc chắn có thể đạt những kết quả mong muốn khi đã thành thạo hai phương pháp này.
No comments:
Post a Comment