Những đặc tính chủ yếu và chức năng của Hệ thống 1 cùng Hệ thống 2 đã được giới thiệu tới bạn đọc trong các phần trước, trong đó đưa ra nhiều chi tiết cụ thể hơn về Hệ thống 1. Đầu óc của chúng ta có thể tưởng tượng rất phong phú và có khả năng sáng tạo ra những liên kết rất kỳ diệu. Nó quả thực giống như một chiếc máy tính vạn năng giúp chúng ta xử lý nhanh mọi dữ liệu, không phải vì nó có phần cứng theo tiêu chuẩn thông thường, mà nó có khả năng tái cấu trúc thế giới như ta đã thấy bằng rất nhiều loại liên tưởng chặt chẽ và phong phú, trong một bộ máy liên kết tự động nhưng chúng ta (Hệ thống 2) lại sở hữu vài khả năng kiểm soát bộ máy tìm kiếm của bộ nhớ, nó cũng có khả năng lập trình lại nó sao cho sự xuất hiện một sự kiện trong một môi trường có thể thu hút sự chú ý. Giờ chúng ta sẽ đi sâu hơn nữa vào những điều diệu kỳ cũng như giới hạn mà Hệ thống 1 có thể thực hiện.
ĐÁNH GIÁ TIÊU CHUẨN
Chức năng chính của Hệ thống 1 đó là duy trì và cập nhật một hình mẫu về thế giới riêng của bạn, là hình mẫu đại diện cho những điều bình thường trong thế giới ấy. Hình mẫu ấy được cấu trúc bởi các mối liên hệ, nó kết nối các ý tưởng về hoàn cảnh, sự kiện, hành động và kết quả là tất cả những gì thường xuyên xảy ra đồng thời, hoặc diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Khi tất cả những liên kết đó được hình thành và củng cố vững chắc, những hình mẫu của các ý tưởng liên kết trở thành đại diện cho cấu trúc các sự kiện trong cuộc sống của bạn, đồng thời nó xác định xem bạn sẽ biểu hiện tại thời điểm này cũng như những kỳ vọng cho tương lai của bạn như thế nào.
Khả năng biết kinh ngạc chính là một khía cạnh chủ yếu trong đời sống tâm lý của chúng ta và bản thân nó cũng là chỉ báo nhạy cảm nhất về cách chúng ta tương tác với thế giới cũng như điều chúng ta kỳ vọng ở thế giới xung quanh. Có hai kiểu kinh ngạc chính: Một vài sự kỳ vọng là chủ động và chủ ý, chẳng hạn bạn biết mình đang chờ đợi một sự kiện đặc biệt nào diễn ra. Ví dụ gần đến giờ tan trường, có thể bạn sẽ trông đợi tiếng cửa mở của lũ trẻ khi đi học về; lúc cánh cửa mở ra, bạn có thể sẽ mong đợi tiếng nói quen thuộc của con mình. Cũng có thể bạn sẽ ngạc nhiên nếu một sự kiện mà bạn chủ động ngóng chờ không diễn ra. Nhưng phạm trù các sự kiện mà bạn chờ đợi một cách thụ động rộng lớn hơn; bạn không chờ đợi chúng nhưng bạn không ngạc nhiên khi chúng diễn ra. Có những sự kiện trở nên bình thường trong một số hoàn cảnh cụ thể, có thể là vì chúng không đủ và không đáng để trở thành một sự kiện được mong chờ xảy ra.
Có một sự cố khiến việc lặp lại trở nên bớt ngạc nhiên hơn. Vài năm trước, vợ chồng tôi đi nghỉ ở một khu nghỉ dưỡng trên một hòn đảo nhỏ ở Rặng san hô lớn (Great Barrier Reef). Cả hòn đảo chỉ có 40 phòng nghỉ. Trong bữa tối, chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi gặp một người quen, đó là nhà Tâm lý học có tên là Jon. Chúng tôi chào nhau rất hồ hởi và bày tỏ sự ngạc nhiên vì cuộc gặp tình cờ này. Ngày hôm sau Jon rời khỏi khu nghỉ dưỡng. Khoảng hai tuần sau, chúng tôi đi xem kịch ở London. Khi đèn khán phòng vừa mới tắt, một khán giả đến muộn ngồi ngay cạnh tôi. Đến giờ nghỉ giải lao, khi đèn bật sáng, tôi nhận ra người ngồi ngay cạnh tôi không ai khác, chính là Jon. Vợ chồng tôi sau đó cũng bình luận về việc hai lần vô tình gặp ông này, chúng tôi cùng có chung nhận định về hai thực tế: Thứ nhất, lần gặp vô tình thứ hai này đặc biệt hơn cả lần gặp đầu tiên; thứ hai, gặp Jon lần này khiến chúng tôi ít ngạc nhiên so với lần gặp đầu tiên. Rõ ràng là sau lần vô tình gặp đầu tiên, ít nhiều chúng tôi đã thay đổi cách nhìn nhận về Jon. Anh ta giờ đây là “một nhà tâm lý học có thể xuất hiện khi chúng tôi đi du lịch nước ngoài.” Chúng tôi (Hệ thống 2) biết rằng đó là một ý tưởng buồn cười nhưng Hệ thống 1 đã khiến chúng tôi gần như thấy rằng gặp Jon ở một nơi xa lạ là một chuyện bình thường. Chúng tôi sẽ lại được trải nghiệm cảm xúc kinh ngạc hơn nhiều nếu gặp một người quen nào khác, mà không phải là Jon, khi đi xem kịch ở London.
Trong một vài trường hợp, những mong đợi thụ động có thể chuyển rất nhanh thành những mong đợi chủ động. Vào một buổi tối Chủ nhật vài năm trước, chúng tôi lái xe từ New York đến Princeton, sau một thời gian dài phải làm việc vất vả vào tất cả các ngày cuối tuần. Chúng tôi phát hiện ra một chiếc xe hơi cháy bên lề đường. Chủ nhật tiếp theo, khi đến đúng đoạn đường này, chúng tôi lại thấy một chiếc xe hơi khác đang bốc cháy. Một lần nữa, chúng tôi lại nhận ra mình bớt ngạc nhiên hơn so với lần đầu tiên khi trông thấy một chiếc xe hơi bị bốc cháy. Địa điểm đó giờ đây đã được gọi là “nơi những chiếc xe hơi bốc cháy.” Vì hoàn cảnh xảy ra các vụ cháy xe bị lặp lại nên đám cháy thứ hai không còn thu hút sự chú ý chủ động như lần đầu tiên nữa: Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau, sau sự kiện này, chúng tôi vẫn nhớ về những chiếc xe bốc cháy ở địa điểm này mỗi khi đi qua và có thể nói, chúng tôi đã có sự chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy một đám cháy khác (tất nhiên, thực tế thì điều đó không hề xảy ra).
Nhà tâm lý học Dale Miller và tôi đã viết chung một tiểu luận nhằm lý giải cho hiện tượng khi nào thì các sự kiện được nhìn nhận là bình thường hoặc bất thường. Tôi sẽ sử dụng một ví dụ trong phần mô tả về “lý thuyết chuẩn tắc”, mặc dù cho đến nay thì cách hiểu của tôi về nó đã có đôi chút thay đổi.
Một người tình cờ nhìn thấy một thực khách ở bàn bên cạnh trong một nhà hàng sang trọng đã nhăn mặt như thể bị đau đớn khi nếm thử một món súp. Hoạt động bình thường của một loạt các sự việc diễn ra sẽ bị thay đổi bởi một sự cố. Giờ thì sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi người quan sát thấy chính người khách nếm món súp kia phản ứng dữ dội vì bị một người phục vụ chạm vào, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi một thực khách khác nghẹn ngào như muốn chực khóc khi nếm món súp từ một chiếc đĩa tương tự. Những sự kiện ấy và rất nhiều sự kiện khác sẽ có vẻ bình thường hơn thông thường, bởi vì chúng đã được lường trước. Hơn thế nữa, chúng xuất hiện với vẻ bình thường bởi vì chúng chỉ là sự biến đổi của khúc bất bình thường đầu tiên - người ta hồi tưởng lại sự cố ban đầu và kết nối các dữ kiện lại với nhau để phiên giải chúng.
Hãy tưởng tượng bạn chính là người quan sát trong nhà hàng đó. Đầu tiên bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy phản ứng bất thường của thực khách đầu tiên với món súp và bạn lại tiếp tục ngạc nhiên khi thực khách thứ hai giật mình bởi sự va chạm của người phục vụ. Tuy nhiên, sự kiện bất bình thường thứ hai gợi nhắc đến sự kiện đầu tiên trong bộ nhớ, cả hai sự kiện trở nên hợp lý khi chúng được sắp xếp để đứng cạnh nhau. Hai sự kiện hợp thành một mô hình, trong đó người khách đầu tiên nếm súp hẳn là một người đang bị căng thẳng một cách khác thường. Mặt khác, nếu sau khi thực khách đầu tiên nhăn mặt thì người khách tiếp theo từ chối món súp ấy, khiến cho hai sự ngạc nhiên liên tiếp sẽ có sự kết nối, chúng lý giải cho việc món súp đó bị khách hàng phàn nàn là điều bình thường.
“Moses đã mang lên thuyền lớn mỗi loại động vật bao nhiêu con?”, người nhận ra câu hỏi này có vấn đề rất ít vì họ bị sa vào cái gọi là “ảo tưởng Moses”. Moses không hề mang con vật nào lên con thuyền lớn, mà là Noah đã mang lên. Cũng giống sự kiện thực khách nhăn mặt khi nếm súp ở trên, “ảo tưởng Moses” cũng dễ dàng được giải thích bởi “lý thuyết chuẩn tắc”. Câu chuyện các loài vật được mang lên con thuyền lớn được viết trong Kinh thánh và Moses không phải là một nhân vật bất thường trong hoàn cảnh ấy. Bạn có thể không có mong đợi tích cực nào về nhân vật này nhưng tên ông ta được nhắc đến không khiến bạn ngạc nhiên. Hơn nữa, hai cái tên Moses và Noah có số âm tiết bằng nhau nên đọc lên nghe có vẻ giống nhau. Cũng giống như bộ tam từ sản sinh ra nhận thức cảm tính, bạn sẽ phát hiện một cách vô thức mối liên hệ tiềm ẩn giữa “Moses” với “con tàu lớn” và nhờ đó, rất nhanh chóng bạn sẽ chấp nhận tính logic của câu hỏi trên. Nếu chỉ cần thay Moses bằng George W. Bush trong văn cảnh này thì bạn sẽ nhận ra ngay đây là một câu đùa chính trị vô duyên mà bạn sẽ không bị mắc phải bất cứ ảo tưởng nào.
Ví dụ khác trong một đoạn văn từ xi măng xuất hiện nhưng không phù hợp với văn cảnh, hệ thống sẽ phát hiện ngay ra sự bất bình thường đó, điều này bạn đã được kiểm chứng ở phần trước. Bạn không biết chính xác từ nào nhưng bạn chắc chắn từ xi măng xuất hiện là không bình thường. Các nghiên cứu về phản ứng của não bộ cho thấy những gì phạm vào phạm trù tiêu chuẩn thông thường sẽ bị phát hiện nhanh một cách đáng kinh ngạc và vô cùng tài tình. Trong một thí nghiệm gần đây, người tham gia vào thí nghiệm được nghe câu “Trái Đất quay xung quanh những rắc rối mỗi năm một lần”. Một hình ảnh khác biệt hoàn toàn được vẽ lên trong hoạt động của bộ não, chỉ trong vòng 2/10 giây đầu tiên, khi từng từ quen thuộc được vang lên. Đáng kinh ngạc hơn, bộ não ấy cũng có cùng tốc độ xử lý thông tin, khi nghe một người đàn ông nói: “Tôi nghĩ mình đã có bầu vì sáng nào tôi cũng thấy nôn nao,” hoặc khi nghe một người có vẻ “mũ cao áo dài” phát biểu: “Tôi có một hình xăm to đùng sau lưng.” Tập hợp những hiểu biết của chúng ta về thế giới lập tức được huy động để “phản ứng” lại những điều phi lý: Giọng nói đó hẳn là của một nhân vật cao cấp người Anh và theo thói thường, những hình xăm lớn không phù hợp với những đối tượng này.
Chúng ta giao tiếp được với nhau là nhờ vào sự hiểu biết chung của chúng ta về thế giới, ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng cũng chính là ngôn ngữ của phần lớn mọi người sử dụng. Khi tôi nhắc đến cái bàn mà không mô tả thêm bất cứ một chi tiết nào, bạn sẽ hiểu ý tôi muốn nói đến một cái bàn bình thường. Chắc chắn bạn biết cái bàn đó có một mặt phẳng, và không thể có đến 25 cái chân. Chúng ta có những quy chuẩn trong hầu hết các lĩnh vực và các quy chuẩn thông thường đó cung cấp cho ta nền tảng để lập tức dò ra được những sự bất bình thường như thể người đàn ông mang bầu hay một nhà hiền triết có hình xăm lớn.
Để đánh giá được vai trò của các quy tắc trong giao tiếp, hãy xem câu văn sau: “Con chuột nhắt khổng lồ trèo lên thân của từng con voi bé xíu.” Tôi tin là những tiêu chuẩn thông thường về kích cỡ của một con chuột nhắt và một con voi của bạn sẽ không khác tôi là mấy. Chính những quy chuẩn ấy định ra kích cỡ thông thường cho các loài vật này và chúng cũng ẩn chứa những thông tin về thứ tự hoặc sự biến thiên của chúng trong từng phạm trù. Do đó sẽ khó khăn cho chúng ta khi cố hình dung trong đầu về hình ảnh một con chuột lớn hơn một con voi, đang sải từng bước chân qua thân của một con voi bé tí, con voi này còn bé hơn cả con chuột nhắt. Ngược lại, mỗi chúng ta dù rất khác biệt nhưng đều có thể tưởng tượng ra những con chuột nhỏ hơn một chiếc giày leo qua những con voi to hơn một chiếc ghế sô pha. Hệ thống 1, có khả năng hiểu ngôn ngữ, đã truy cập vào hệ thống quy chuẩn của từng phạm trù, định ra những chuỗi giá trị hợp lý, cũng như những tình huống điển hình nhất trong phạm trù đó.
NHÌN RA NGUYÊN NHÂN VÀ MỤC ĐÍCH
“Cha mẹ của Fred đến muộn. Những người quản lý khách sạn nghĩ rằng họ sẽ đến sớm hơn. Fred rất bực tức.” Bạn biết tại sao Fred lại cáu giận và không phải là vì những người quản lý khách sạn kỳ vọng họ đến sớm hơn. Trong mạng lưới liên hệ của bạn, sự giận dữ và sự trễ hẹn được liên kết với nhau như một cặp hiệu ứng và nguyên nhân có thể xảy ra, bởi vì giữa sự giận dữ và chuyện những người quản lý khách sạn kỳ vọng chẳng có liên hệ gì với nhau hết. Câu chuyện cực ngắn nhưng đầy tính liên kết trên minh họa trực tiếp cho ý tưởng. Tìm ra được những mối liên hệ nhân quả chính là một phần để bạn hiểu được nội dung một câu chuyện và đó là hoạt động tự động của Hệ thống 1. Hệ thống 2, sự tự ý thức của bản thân, lại có chức năng diễn giải một nguyên nhân và chấp nhận điều đó.
Câu chuyện của Nassim Taleb trong Thiên nga đen minh họa cho quá trình tự động tìm kiếm nguyên nhân. Ông cho biết giá trái phiếu kho bạc vào ngày Saddam Hussein bị bắt tại nơi trú ẩn ở Iraq tăng lên. Đối với các nhà đầu tư, thì dường như họ luôn tìm kiếm những nguồn tài sản an toàn hơn, vậy là hãng tin Bloomberg giật tít: TRÁI PHIẾU KHO BẠC MỸ TĂNG GIÁ; BẮT ĐƯỢC HUSSEIN CÓ THỂ KHÔNG HẠN CHẾ ĐƯỢC KHỦNG BỐ. Nửa giờ sau, giá trái phiếu quốc gia lại trở về mức giá cũ, tin nổi bật trên báo được sửa lại thành: GIÁ TRÁI PHIẾU KHO BẠC QUỐC GIA GIẢM; HUSSEIN BỊ BẮT KHIẾN NHỮNG TÀI SẢN RỦI RO TRỞ NÊN HẤP DẪN. Rõ ràng sự kiện bắt được Hussein là tin chính trong ngày và theo cơ chế tự động tìm kiếm nguyên nhân bao trùm trong suy nghĩ của con người, nó được định trước là một cách giải thích cho những gì đã diễn ra đối với thị trường tài chính của ngày hôm ấy. Nhìn qua thì cả hai tin bài nổi bật đều có vẻ giống như lời giải thích cho sự thay đổi của thị trường chứng khoán nhưng vấn đề là hai cách giải thích đấy hoàn toàn trái ngược nhau và điều này không thể lý giải nổi. Trên thực tế, tất cả các tít bài xuất hiện đều phải thỏa mãn nhu cầu gắn kết của chúng ta: Một sự kiện lớn diễn ra bao giờ cũng phải có hệ quả đi kèm và các hệ quả cần nguyên nhân để giải thích cho chúng. Lượng thông tin mà ta biết trong ngày hôm đó là giới hạn và Hệ thống 1 lại rất giỏi trong việc tìm kiếm những liên kết mang tính nhân quả trong mỗi câu chuyện để liên kết những mảnh ghép thông tin trong phạm vi cho phép.
Hãy đọc câu văn sau:
Sau khi dành cả một ngày khám phá những cảnh đẹp dọc các con phố đông đúc của thành phố New York, Jane phát hiện ra ví tiền của nàng đã biến mất.
Khi đọc câu chuyện nhỏ này, chúng ta (và rất nhiều người khác) tham gia vào một bài kiểm tra trí nhớ bất ngờ, từ móc túi được gắn kết với câu chuyện chặt chẽ hơn rất nhiều so với từ cảnh đẹp, mặc dù từ cảnh đẹp mới là từ xuất hiện trong câu văn, còn từ móc túi thì không hề xuất hiện. Sự kiện bị mất ví có thể khiến người ta nghĩ đến rất nhiều nguyên nhân: Chiếc ví bị rơi ra khỏi túi quần, bị bỏ quên trong một nhà hàng nào đó... Tuy nhiên, khi ai đó bị mất ví ở New York, yếu tố đông đúc được nhắc đến, chúng khiến cho nguyên nhân bị móc túi giải thích hợp lý cho câu chuyện bị mất ví trên hơn.
Nhà tâm lý học quý tộc người Bỉ Albert Michotte đã xuất bản một cuốn sách vào năm 1945 (được dịch sang tiếng Anh vào năm 1963) đã làm thay đổi hoàn toàn tư duy của con người về mối quan hệ nhân quả đã tồn tại nhiều thế kỷ trước. Thông thường, con người chấp thuận việc kết luận về các nguyên nhân theo quy luật tự nhiên bằng cách quan sát mối liên hệ giữa các sự kiện. Chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn lần hình ảnh một đồ vật khi bị một vật khác va chạm thì lập tức vật đó sẽ di chuyển, thường (nhưng không phải luôn luôn) theo cùng một hướng. Hiện tượng đó diễn ra khi một quả bóng bi-a va vào một quả bóng bi-a khác, hay chiếc bình hoa bị rơi khi tay bạn không may đẩy phải nó. Michotte lại đưa ra một ý tưởng khác: Ông cho rằng chúng ta nhìn thấy nguyên nhân, rõ ràng như khi ta nhìn thấy màu sắc vậy. Để bảo vệ luận điểm của mình, ông đã tạo ra một đoạn phim trong đó có một hình vuông màu đen vẽ trên giấy, được tạo hiệu ứng chuyển động; nó va vào một hình vuông khác, khiến cho hình vuông này cũng chuyển động theo. Những người quan sát biết rằng không hề có sự tương tác trực tiếp ở đây, tuy nhiên họ đã có sẵn “ảo tưởng về nguyên nhân” trong đầu óc mình. Nếu đối tượng thứ hai bắt đầu chuyển động, họ sẽ mô tả chúng di chuyển được là do “tác động” của đối tượng thứ nhất. Các thí nghiệm này đã chứng minh rằng, cả những em bé mới 6 tháng tuổi cũng nhìn thấy hiện tượng nguyên nhân và kết quả, đồng thời chúng biểu thị sự ngạc nhiên khi cảnh tượng bị thay đổi. Hiển nhiên là từ khi sinh ra chúng ta đã có ấn tượng về quan hệ nhân quả, điều này không hề phụ thuộc vào việc chúng ta có ý thức gì về các khía cạnh của quan hệ nhân quả hay không. Chúng là sản phẩm của Hệ thống 1.
Năm 1994, cũng vào thời điểm Michotte công bố luận chứng của mình về quan hệ nhân quả tự nhiên, các nhà tâm lý học Fritz Heider và Mary-Ann Simmel đã sử dụng một phương pháp tương tự như của Michotte để chứng minh năng lực nhận thức mối liên hệ nhân quả có chủ ý. Họ làm một bộ phim, chỉ vẻn vẹn một phút bốn mươi giây, trong đó bạn nhìn thấy một hình tam giác lớn, một hình tam giác nhỏ và một hình tròn di chuyển tạo thành một hình ngôi nhà có cửa mở. Người xem nhìn thấy hình tam giác lớn rất hung dữ “bắt nạt” hình tam giác nhỏ, một hình tròn “sợ hãi”, một hình tròn khác và một hình chữ nhật nhỏ hùa vào chống lại kẻ bắt nạt; họ cũng quan sát xung quanh cánh cửa diễn ra rất nhiều va chạm và rồi cuối cùng một vụ nổ diễn ra. Nhận thức chủ động và cảm xúc khi xem đoạn phim là không thể tránh khỏi, chỉ có những người thần kinh có vấn đề mới không nhận ra điều này. Tất nhiên, tất cả hoàn toàn diễn ra trong đầu óc của bạn. Bộ não của bạn đã sẵn sàng, thậm chí là háo hức để chỉ đích danh những tác nhân, gán cho chúng những tính cách của con người với những ý nghĩa cụ thể, và nhìn nhận hành động của họ như biểu hiện của những cá nhân có chủ đích hẳn hoi. Một lần nữa, sự hiển nhiên ở đây là chúng ta khi sinh ra đều đã có sẵn những quy ước có chủ định: Ngay cả trẻ nhỏ dưới một tuổi cũng biết đâu là những kẻ bắt nạt và ai là những nạn nhân và kỳ vọng ai đó sẽ tìm ra con đường ngắn nhất để đạt được cái mà họ đang theo đuổi.
Kinh nghiệm của hành động tự chủ tồn tại khá độc lập so với ý thức về mối quan hệ nhân quả. Mặc dù chính bạn với tay lấy lọ muối nhưng bạn không hề nghĩ đến một loạt những hệ quả sẽ diễn ra sau hành động với tay lấy lọ muối đó. Bạn biết rằng sẽ có hệ quả sau quyết định mà chính tâm trí bạn đã điều khiển thực hiện, chỉ bởi vì bạn muốn thêm muối vào thức ăn của mình. Rất nhiều người nhận thấy nhiều hành động của mình có nguồn gốc và nguyên nhân từ chính tâm trí và họ cho đó là điều rất tự nhiên. Nhà tâm lý học Paul Bloom viết cho Tạp chí The Atlantic năm 2005 đã đưa ra một tuyên bố gây sốc, rằng chính sự phân chia tự nhiên giữa ý thức về mối quan hệ nhân quả mang tính vật chất và tâm lý giải thích được gần như đầy đủ về các niềm tin tôn giáo. Ông quan sát rằng “chúng ta nhận thức thế giới của các sự vật chủ yếu tách biệt so với thế giới tâm linh, điều đó khiến ta có khả năng hình dung được sự tồn tại của những cái xác không hồn và những phần hồn không xác.” Bản thân chúng ta đã được nhào nặn để thừa nhận cả hai kiểu quan hệ nhân quả, khiến ta chấp nhận hai niềm tin chủ yếu trong rất nhiều tôn giáo một cách rất tự nhiên: Có một đấng thần linh vô hình sáng tạo ra cả thế giới hữu hình và có những tâm hồn bất tử vẫn đang tiếp tục điều khiển cơ thể chúng ta, bất kể khi chúng ta còn sống hay đã chết. Theo quan điểm của Bloom, cả hai khái niệm về mối quan hệ nhân quả đều bị tác động riêng biệt bởi nguồn năng lượng tiến hóa khác khau, tạo thành nguồn gốc của tôn giáo trong cấu trúc của Hệ thống 1.
Điểm nổi bật của những trực giác nhân quả chính là chủ đề chính trong cuốn sách này, bởi con người hầu hết bị áp đặt suy nghĩ hệ quả một cách không chủ định, trong những tình huống đòi hỏi tư duy phân tích lý trí. Suy nghĩ lý trí bắt nguồn từ những kết luận về những trường hợp cụ thể trong một loạt những đặc tính cùng loại hoặc đồng nhất. Không may, Hệ thống 1 không có khả năng lý trí, Hệ thống 2 có thể học cách tư duy hệ thống, nhưng rất ít người được rèn luyện đủ để thực hiện điều này.
Luận chứng về tâm lý học nhân quả chính là nền tảng khiến tôi quyết định mô tả quá trình nhận thức tâm lý bằng cách sử dụng những ẩn dụ về những nhân tố trung gian, mà ít quan tâm tới tính ổn định của chúng. Đôi khi tôi thích ví Hệ thống 1 là một nhân tố với rất nhiều nét tính cách và đặc quyền, đôi khi tôi lại cho rằng nó là một bộ máy liên kết đại diện cho hiện thực với rất nhiều mối liên hệ phức tạp. Hệ thống và bộ máy đều là những hình ảnh tưởng tượng; lý do tôi sử dụng chúng là bởi chúng phù hợp với cách chúng ta suy nghĩ về các nguyên nhân. Hình tam giác hay hình tròn của Heider không hẳn là những nhân tố mà nó chỉ là cách dễ nhất và tự nhiên nhất khi chúng ta nghĩ về chúng. Tôi giả định rằng bạn (cũng như tôi) sẽ thấy đó là cách dễ nhất khi nghĩ về trí óc nếu chúng ta mô tả những gì đang diễn ra dựa trên những nét tiêu biểu và chủ định (hai hệ thống) và đôi khi trên phương diện những chuẩn mực máy móc (bộ máy liên kết). Tôi không có ý định thuyết phục bạn rằng các hệ thống này có thật và tôi cũng không hề có ý định áp đặt bạn phải tin rằng hình tam giác lớn của Heider thực sự là “một kẻ hách dịch.”
SỰ CHUẨN MỰC VÀ NGUYÊN NHÂN LÊN TIẾNG
“Khi phát hiện ứng viên thứ hai hoá ra là một người bạn cũ, tôi không còn ngạc nhiên nhiều nữa. Một kinh nghiệm dẫu mới mẻ đến đâu mà bị lặp lại, dù chỉ một tí tẹo cũng khiến nó trở nên bình thường!”
“Khi khảo sát phản hồi của khách hàng với sản phẩm, hãy đảm bảo là chúng ta không tập trung quá vào con số trung bình. Chúng ta cần cân nhắc đến một dải những phản ứng thông thường.”
“Cô ta không thể chấp nhận được sự thật đơn giản là cô ấy quá thiếu may mắn; cô ấy cần một nguyên nhân cụ thể lý giải cho sự thật đó. Có thể cuối cùng cô ta sẽ nghĩ rằng đó là vì có ai đó chủ định phá hoại ngầm thành quả của mình.”
No comments:
Post a Comment