Tư Duy Nhanh Và Chậm Phần 3 - Chương 24

Ảo tưởng lập kế hoạch chỉ là một trong những biểu hiện của xu hướng lạc quan quá mức. Hầu hết chúng ta nhìn nhận thế giới tốt đẹp hơn thực tế, các đặc tính của riêng của chúng ta thuận lợi hơn chúng vốn có và những mục tiêu mà chúng ta hướng đến có nhiều khả năng đạt được hơn. Chúng ta cũng có xu hướng phóng đại năng lực dự đoán tương lai của mình, điều này nuôi dưỡng niềm tin lạc quan thái quá trong mỗi chúng ta. Trong mối quan hệ về những hậu quả của nó đối với những quyết định, xu hướng lạc quan thái quá có ý nghĩa nhất trong số các xu hướng nhận thức. Do đó lạc quan thái quá có thể vừa là phúc nhưng cũng là họa, bạn cũng nên vừa vui mừng vừa thận trọng nếu bạn đang lạc quan một cách thất thường.
NHỮNG KẺ LẠC QUAN
Sự lạc quan rất đỗi bình thường nhưng một số người may mắn thường lạc quan hơn số người còn lại trong mỗi chúng ta. Nếu bạn được sở hữu sự lạc quan thái quá, bạn không cần ai nói với bạn rằng bạn là một người may mắn, mà tự bản thân bạn luôn thấy mình là người may mắn. Một tâm thế lạc quan được kế thừa một cách phong phú, và đó là một phần của thiên hướng chung về hạnh phúc, nó cũng có thể bao gồm sở thích nhìn vào mặt tích cực của mọi sự việc. Nếu bạn có một điều ước cho con của mình, hãy cân nhắc kỹ tới điều ước mong sự lạc quan cho cậu nhóc/cô nhóc của bạn. Những người lạc quan thông thường luôn vui vẻ và hạnh phúc, bởi vậy mà nhìn chung, họ không hay nản lòng trước những thất bại hay khó khăn. Cơ hội biểu hiện cho những chán nản sinh lý cũng giảm xuống, hệ thống miễn dịch của họ mạnh mẽ hơn, họ chăm lo cho sức khỏe của mình tốt hơn, họ cảm thấy khỏe mạnh hơn những người khác và thực tế là họ có thể sống lâu hơn. Một nghiên cứu về những người cường điệu cuộc sống mong đợi của họ kéo dài trên cả những dự đoán của chuyên viên thống kê bảo hiểm đã chỉ ra rằng họ làm việc trong nhiều giờ hơn, họ lạc quan hơn về kết quả tương lai của mình, họ có nhiều khả năng sẽ tái hôn sau khi ly hôn (“chiến thắng của niềm hy vọng trước thử thách” theo kiểu cổ điển), và dễ có xu hướng đánh cuộc vào những cổ phần độc đáo hơn. Dĩ nhiên, những may mắn lạc quan chỉ tìm đến những cá nhân hơi có thiên hướng lạc quan thái quá và những ai có khả năng “nêu bật được sự tích cực” và vẫn dựa trên thực tế.
Những cá nhân lạc quan giữ một vai trò trong việc định hình cuộc sống của chúng ta. Những quyết định của họ tạo ra sự khác biệt; họ là những nhà sáng chế, doanh nhân, chính khách và tướng lĩnh quân đội, họ thường không phải là những người bình dân. Họ đã lựa chọn tới những nơi mà ở đó họ được khẳng định bản thân mình, họ tìm kiếm thách thức và chấp nhận rủi ro. Họ có tài năng và họ có được may mắn, gần như chắc chắn là họ may mắn hơn so với những gì họ thừa nhận. Họ có một tính cách lạc quan. Một cuộc điều tra về các nhà sáng lập các doanh nghiệp nhỏ đã được tiến hành mà ở đó các doanh nhân lạc quan về cuộc sống hơn so với những nhà quản lý cấp trung. Những trải nghiệm về thành công của họ đã củng cố cho niềm tin của họ trong sự phán đoán và trong khả năng kiểm soát các biến cố của họ. Sự tự tin của họ được nhân lên nhờ sự ngưỡng mộ của những người khác. Lập luận này dẫn tới một giả thuyết: Những ai có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của những người khác có vẻ như là người lạc quan và liều lĩnh và gặp nhiều rủi ro hơn họ nhận thấy.
Dấu hiệu này gợi ra giả thuyết rằng sự lạc quan thái quá đôi khi đóng vai trò chi phối đối với bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào tình nguyện đánh cược với những rủi ro lớn. Luôn luôn là những người chấp nhận rủi ro, coi nhẹ những sự nhỏ nhặt mà họ gặp phải, và đầu tư nỗ lực lớn nhằm tìm ra lợi thế của mình là gì. Do hiểu sai những rủi ro, các doanh nhân lạc quan thường tin rằng họ cẩn trọng, ngay cả khi họ thực sự không như vậy. Sự tin tưởng của họ vào tương lai thành công duy trì một trạng thái tích cực giúp họ đạt được những niềm an ủi từ những người khác, khích lệ tinh thần nhân viên của họ và nâng cao những triển vọng hiện có. Khi hành động là cần thiết, niềm lạc quan, ngay cả trong trạng thái có một chút ảo tưởng khác nhau, cũng có thể là một điều tốt.
NHỮNG ẢO TƯỞNG CỦA DOANH NGHIỆP
Cơ may để một doanh nghiệp nhỏ tồn tại trong 5 năm tại Mỹ vào khoảng 35%. Nhưng những người sáng lập doanh nghiệp không tin rằng các con số thống kê ấy liên ứng với họ. Một cuộc khảo sát đã phát hiện ra rằng các doanh nhân người Mỹ có xu hướng tin rằng họ đang trên đà kinh doanh triển vọng: Ước tính trung bình của họ về cơ may thành công dành cho “bất kể doanh nghiệp nào giống của bạn” là 60% - gần gấp đôi giá trị thực tế. Xu hướng càng rõ ràng hơn khi người ta đã ấn định lợi thế của riêng doanh nghiệp mình. 81% các doanh nhân đặt ra tỷ lệ thành công của cá nhân họ ở ngưỡng gấp 7 tới 10 lần hoặc cao hơn, và 33% trong số họ cho rằng nguy cơ thất bại của họ bằng không.
Thiên hướng này không có gì là ngạc nhiên. Nếu bạn phỏng vấn một ai đó gần đây đã mở một nhà hàng món ăn Ý, bạn sẽ không trông chờ gì vào việc anh ta đánh giá thấp những triển vọng thành công hoặc có cái nhìn bi quan về khả năng trở thành một chủ nhà hàng của mình. Nhưng bạn cần phải thắc mắc: Anh ta sẽ vẫn đầu tư tiền và thời gian nếu anh ta đã tạo ra được một nỗ lực cần thiết để nắm được lợi thế, hoặc nếu cô ấy đã biết được lợi thế (60% các nhà hàng mới đều đóng cửa sau ba năm) và đã để ý tới chúng? Ý niệm về việc chấp nhận cái nhìn khách quan từ bên ngoài có lẽ không xảy ra với anh ta.
Một trong những lợi ích của một sự lạc quan đó là nó khích lệ chúng ta kiên trì thực hiện mục tiêu bất chấp mọi trở ngại. Nhưng sự kiên trì có thể lại là điều tai hại. Một nhóm các thí nghiệm ấn tượng được tiến hành bởi Thomas Åstebro hy vọng mang lại cho những người lạc quan khi nhận được tin xấu. Ông đã đưa ra dữ liệu của mình từ một tổ chức Canada – Inventor’s Assistance Program (Chương trình Hỗ trợ của Nhà sáng chế) – có thu một khoản lệ phí nho nhỏ để cung ứng cho các nhà phát minh một đánh giá khách quan về những triển vọng thương mại mà ý tưởng của họ có thể mang lại. Những đánh giá dựa vào những phân loại kỹ lưỡng đối với từng phát minh theo 37 tiêu chuẩn, bao gồm sự cần thiết đối với sản phẩm, chi phí sản phẩm, và xu thế ước lượng về nhu cầu tiêu dùng. Các chuyên gia phân tích tổng hợp các phân loại của mình bằng một cấp độ chữ cái, trong đó D và E dự báo sự thất bại – một dự đoán đã đưa ra tỷ lệ trên 70% các sáng chế mà họ xem xét. Những dự báo về thất bại chính xác một cách đặc biệt: Chỉ 5/411 dự án bị cho điểm thấp nhất đã đạt tới sự thương mại hóa và không dự án nào thành công.
Các tin xấu đã làm cho khoảng một nửa các nhà sáng chế rút lui sau khi nhận thấy mức độ thất bại đã được dự đoán một cách rõ ràng về sự thất bại. Tuy nhiên, 47% trong số họ vẫn nỗ lực phát triển ngay sau khi được cho hay dự án của họ không khả thi, và những cá nhân bảo thủ (hay cố chấp) trung bình gặp phải thất bại gấp đôi mục tiêu ban đầu trước khi bỏ cuộc. Điều đáng chú ý là sự kiên trì sau khi có lời khuyên bàn lùi đã tương đối phổ biến trong số các nhà sáng chế đã đạt được điểm số cao dựa trên thước đo cá nhân của sự lạc quan – theo đó những nhà sáng chế nói chung đạt điểm cao hơn đại chúng. Nhìn chung, thu nhập từ sáng chế cá nhân là rất thấp, “thấp hơn thu nhập từ vốn cổ phần cá nhân và chứng khoán có độ rủi ro cao.” Thường thì, những lợi ích tài chính của việc tự kinh doanh rất xoàng xĩnh: Với cùng trình độ, những người gặt hái được những khoản thu nhập trung bình qua việc bán các kỹ năng của mình cho giới chủ cao hơn việc bày vẽ thành lập doanh nghiệp cho mình. Các bằng chứng đã chỉ ra rằng: Sự lạc quan mang tính lây lan, ngoan cố và tốn kém.
Các nhà tâm lý học đã xác nhận rằng hầu hết mọi người đều tin tưởng rằng họ thực sự tài giỏi hơn hẳn số đông còn lại. Họ sẵn lòng đánh cược một khoản tiền nho nhỏ vào những niềm tin trong phòng thực nghiệm. Dĩ nhiên, trên thị trường những niềm tin vào sự vượt trội của một ai đó có tầm quan trọng đáng kể. Những người đứng đầu của các doanh nghiệp lớn đôi lúc đặt cược lớn vào những vụ hợp nhất và sáp nhập, hành động theo niềm tin sai lầm rằng họ có thể quản lý khối tài sản của các công ty khác tốt hơn những người chủ hiện tại đang làm. Thị trường chứng khoán thông thường phản ứng lại bằng việc giảm giá trị của công ty mua lại, bởi kinh nghiệm đã chỉ ra rằng các nỗ lực nhằm hợp nhất các hãng đã thất bại nhiều hơn là thành công. Những vụ sáp nhập sai lầm đã được giải thích bởi một “giả thuyết ngạo mạn”: Các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp đi sáp nhập doanh nghiệp có ít kỹ năng hơn so với suy nghĩ của họ.
Các nhà kinh tế học Ulrike Malmendier và Geoffrey Tate đã nhận diện những CEO lạc quan qua số công ty cổ phần mà họ sở hữu và quan sát thấy các vị lãnh đạo lạc quan cao độ đã gánh chịu những rủi ro vượt mức. Họ đã gánh lấy nợ nần hơn là vấn đề vốn chủ sở hữu và họ có khả năng hơn những người khác để “thanh toán vượt mức cho các công ty mục tiêu và đảm nhận việc phá hủy giá trị các vụ hợp nhất.” Đáng chú ý là, cổ phiểu của công ty mua lại chịu tổn thất về cơ bản nhiều hơn trong những vụ hợp nhất, nếu vị CEO quá lạc quan bởi thước đo của người tạo ra. Thị trường chứng khoán dường như có khả năng nhận diện ra các vị CEO quá tự tin. Lời nhận xét này đã miễn trách nhiệm cho các vị CEO khỏi lời cáo buộc, ngay cả khi nó quy cho họ những việc tương tự như: Các nhà lãnh đạo của các tổ chức kinh doanh thực hiện những vụ cá cược không ai biết đến, không làm như vậy bởi họ đang cá cược bằng tiền của người khác. Ngược lại, họ có những rủi ro lớn hơn khi họ đích thân sở hữu nhiều cổ phần hơn. Tổn thất gây ra bởi những vị CEO quá tự tin trở nên phức tạp khi giới báo chí tôn vinh họ lên như những người danh tiếng; căn cứ chỉ ra rằng giới báo chí có uy tín vinh danh các vị CEO là thông tin đáng giá đối với các cổ đông. Các tác giả viết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng các hãng có những CEO đoạt giải, sau đó đều hoạt động kém hiệu quả, liên quan tới cả cổ phiếu lẫn việc vận hành công việc. Đồng thời, việc đáp lại của CEO cũng tăng lên, các vị CEO dành nhiều thời gian hơn vào các hoạt động bên ngoài công ty chẳng hạn như viết các cuốn sách và ngồi bên ngoài các hội đồng, và dường như họ quan tâm hơn đến việc kiếm tiền.”
Nhiều năm trước, vợ chồng tôi đi du lịch tại đảo Vancouver, khi đang tìm một nơi để nghỉ dưỡng, chúng tôi đã phát hiện ra một nhà khách ven đường hấp dẫn nhưng vắng tanh trên một con đường nhỏ nhiều người qua lại ở khoảng giữa của một khu rừng. Chủ nhà khách là một cặp vợ chồng trẻ lịch thiệp, chúng tôi đề nghị và họ đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của họ. Họ từng là giáo viên cấp một tại thị trấn Alberta, họ đã quyết định thay đổi cuộc đời và đã sử dụng toàn bộ khoản tiền tiết kiệm để mua lại nhà khách ven đường được xây dựng trước đó 12 năm. Họ kể cho chúng tôi mà không chút chê bai hay e ngại rằng họ đã mua được nó với giá rẻ: “Bởi vì trước đó đã có sáu, bảy người chủ trước đã kinh doanh thất bại nhà khách này.” Họ cũng kể cho chúng tôi về những kế hoạch tìm kiếm một khoản vay nhằm tạo cho cơ ngơi thêm phần hấp dẫn bằng cách xây dựng một nhà hàng ngay cạnh đó. Họ cảm thấy không cần thiết phải giải thích tại sao họ đã kỳ vọng sẽ thành công ở nơi đã có sáu hoặc bảy người khác đã thất bại. Có một điểm chung về tính liều lĩnh và lạc quan giữa những người làm kinh doanh, từ những người chủ nhà nghỉ ven đường tới những vị CEO nổi tiếng.
Sự mạo hiểm lạc quan diễn ra bởi các doanh nhân chắc chắn góp phần vào nền kinh tế năng động của xã hội tư bản chủ nghĩa, ngay cả nếu phần lớn những người gánh nhận rủi ro đều nhận lấy nỗi thất vọng. Tuy nhiên, Marta Coelho, giảng viên trường Kinh tế London đã chỉ ra những vấn đề chính sách khác biệt nảy sinh khi những nhà sáng lập các doanh nghiệp nhỏ đòi hỏi chính phủ hỗ trợ họ trong các quyết sách mà phần lớn dẫn đến kết cục tồi tệ. Liệu rằng chính phủ có nên cấp các khoản vay cho những người mới bắt đầu kinh doanh mà có thể họ sẽ phá sản trong vài năm tới? Rất nhiều nhà kinh tế học hành vi hài lòng với những trình tự theo kiểu “chủ nghĩa tự do độc đoán” đã giúp người dân gia tăng tỷ lệ tiết kiệm của họ vượt mức những gì họ có thể làm bằng sức lực của mình. Câu hỏi liệu rằng chính phủ có nên hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ như thế nào vẫn không có câu trả lời thỏa đáng.
SỰ CẠNH TRANH THỜ Ơ
Thật hấp dẫn để giải thích sự lạc quan trong kinh doanh bằng những suy nghĩ mộng tưởng, nhưng cảm xúc chỉ là một phần của câu chuyện. Các sai lệch liên quan tới nhận thức giữ một vai trò quan trọng, nhất là đặc trưng WYSIATI của Hệ thống 1.
  • Chúng ta tập trung vào mục tiêu của mình, bám sát kế hoạch, và lờ đi những hệ số gốc có liên quan, bộc lộ bản thân trước sai lầm dự kiến.
  • Chúng ta tập trung vào những gì chúng ta muốn làm và có thể làm, bỏ qua những kế hoạch và kỹ năng của người khác.
  • Cả trong việc giải thích quá khứ lẫn trong việc dự đoán tương lai, chúng ta tập trung vào vai trò nguồn gốc của kỹ năng và bỏ qua vai trò của sự may mắn. Bởi vậy, chúng ta có ý thiên về một ảo tượng kiểm soát.
  • Chúng ta tập trung vào những gì chúng ta biết và bỏ qua những gì chúng ta không biết, những điều khiến chúng ta quá tin vào niềm tin của mình.
Các quan sát cho thấy “90% lái xe tin rằng họ ở trên mức trung bình” là một phát hiện tâm lý tồn tại trong một thời gian dài và đã trở thành một phần của văn hóa, nó thường được dẫn ra như là một ví dụ điển hình về một tác động phổ biến trên mức trung bình. Tuy nhiên, sự cắt nghĩa của phát hiện này đã thay đổi trong vài năm gần đây, từ sự tự đề cao tới một sai lệch nhận thức. Hãy ngẫm nghĩ hai câu hỏi sau:
Bạn là một tay lái cừ chứ?
Bạn cừ hơn mức trung bình với vai trò là một người lái xe chứ?
Câu hỏi thứ nhất rất dễ và câu trả lời tới rất nhanh: Hầu hết các tay lái đều trả lời là có. Câu hỏi thứ hai khó hơn và hầu hết những người được hỏi gần như không thể trả lời một cách nghiêm chỉnh và chính xác, bởi nó đòi hỏi một đánh giá về trình độ trung bình của các lái xe. Ở thời điểm này vấn đề mà cuốn sách đưa ra không hề gây ngạc nhiên, vì người ta đáp lại một câu hỏi khó qua việc trả lời một câu dễ hơn. Họ so sánh bản thân với mức trung bình mà họ từng biết. Chứng cứ cho cách giải thích liên quan tới nhận thức về tác động trên mức trung bình là những gì người ta được đề nghị cho một nhiệm vụ mà họ thấy khó khăn (đối với nhiều người trong số chúng ta điều đó có thể là “Bạn có giỏi hơn mức trung bình trong những cuộc chuyện trò làm quen với những người lạ?”), họ thực sự tự xếp hạng mình trên mức trung bình. Kết quả cuối cùng là những người có xu hướng quá lạc quan về mối liên hệ của họ, họ luôn giữ đúng thái độ đó trong bất cứ hành động nào mặc dù họ thực hiện không tốt lắm.
Tôi từng có một vài dịp hỏi những nhà sáng lập và người tham gia khởi nghiệp mang tính đổi mới một câu hỏi: Trong chừng mực nào thì kết quả từ nỗ lực của bạn sẽ phụ thuộc vào những gì bạn làm tại doanh nghiệp? Rõ ràng đây là một câu hỏi dễ, câu trả lời được đưa ra nhanh chóng và trong ví dụ tiêu biểu nhỏ của tôi chưa bao giờ chừng mực ấy thấp hơn 80%. Ngay cả khi họ không chắc mình sẽ thành công, những con người liều lĩnh này nghĩ số mệnh của họ gần như hoàn toàn nằm trong tay họ. Họ sai một cách chắc chắn: Kết quả của một lần khởi nghiệp lệ thuộc nhiều vào những thành tựu của đối thủ cạnh tranh, vào sự thay đổi trên thị trường, cũng như mức độ nỗ lực của riêng nó. Tuy nhiên, WYSIATI giữ phần trong đó và các doanh nhân tập trung một cách bản năng vào những gì họ biết nhiều nhất – những kế hoạch của họ và những hành động, các mối đe dọa trực tiếp nhất và các cơ hội, ví dụ như nguồn vốn sẵn có. Họ ít biết về những đối thủ cạnh tranh và do đó nhận thấý thật đơn giản để hình dung một tương lai ở đó sự cạnh tranh giữ vai trò thứ yếu.
Colin Cammerer và Dan Lovallo, những người đã đưa ra khái niệm về sự sao nhãng cạnh tranh, được minh họa bởi một câu trích dẫn từ vị Chủ tịch sau này của Hãng phim Disney. Khi được hỏi tại sao có quá nhiều bộ phim tốn nhiều ngân sách lại được công chiếu vào những ngày trùng nhau (ví dụ như Ngày lễ tưởng niệm chiến sĩ tử trận và ngày Quốc khánh), ông đã trả lời rằng:
“Ngạo mạn! Ngạo mạn! Nếu cậu chỉ nghĩ về công việc kinh doanh của riêng mình, cậu sẽ nghĩ: “Tôi vừa có được một phần của câu chuyện hay, tôi vừa mới có một bộ phận Marketing giỏi, chúng tôi sẽ chinh phục thế giới bên ngoài.” Và cậu không chắc rằng tất cả mọi người còn lại đều nghĩ theo cách đó. Trong một kỳ nghỉ cuối cùng bất kỳ được trong một năm, cậu sẽ có năm bộ phim công chiếu, và rõ ràng là sẽ không có đủ người để đi vòng quanh một lượt.”
Câu trả lời vô tư nhắc đến thói ngạo mạn, nhưng nó không chỉ ra thói kiêu ngạo, tự phụ về sự ưu việt hơn các hãng phim cạnh tranh. Sự cạnh tranh đơn giản không phải là một phần của quyết định, trong đó một câu hỏi khó lại một lần nữa được thay thế bằng một câu dễ hơn. Câu hỏi cần tới một câu trả lời đó là: Cân nhắc xem những ai sẽ làm, bao nhiêu người sẽ xem bộ phim của chúng ta? Câu hỏi mà các viên chức cấp cao của hãng phim đã nghĩ đến đơn giản hơn và nhắc đến kiến thức dễ dàng nhất sẵn có với họ: Chúng ta có một bộ phim hay và một kế hoạch tốt để tung ra thị trường chứ? Các quy trình quen thuộc của Hệ thống 1 về WYSIATI, sự thay đổi sản phẩm, sự sao nhãng cạnh tranh lẫn hiệu ứng trên mức trung bình thì hậu quả của việc sao nhãng cạnh tranh đó là sự thâm nhập vượt mức: Các đối thủ tiến vào thị trường vượt quá khả năng duy trì sinh lời của thị trường, do đó kết quả bình quân của họ là một sự thua lỗ. Kết quả này gây thất vọng cho hãng phim mới gia nhập thị trường điển hình, nhưng sự tác động đến nền kinh tế chung cũng có thể là một điều tích cực. Trong thực tế, Giovanni Dosi và Dan Lovallo gọi các hãng kinh doanh thất bại là những báo hiệu thị trường mới cho các đối thủ cạnh tranh “những kẻ lạc quan tử vì đạo” có đủ khả năng hơn – tốt cho nền kinh tế nhưng chịu thua thiệt cho các nhà đầu tư của họ.
QUÁ LIỀU LĨNH
Trong một vài năm, các Giáo sư tại trường Đại học Duke đã tiến hành một cuộc khảo sát theo đó các Giám đốc tài chính (CFO) của các tập đoàn lớn đã ước tính lợi nhuận của chỉ số Standard & Poor trong toàn bộ năm kế tiếp. Các học giả trường Duke đã thu thập 11.600 dự báo như vậy và kiểm tra độ chính xác của chúng. Kết luận hoàn toàn thẳng thắn rằng: Các chuyên gia tài chính của các tập đoàn lớn không hề có mạch tư tưởng nào về tương lai ngắn hạn của thị trường chứng khoán; mối tương quan giữa những ước tính của họ và giá trị thực còn thấp hơn con số không! Khi họ tuyên bố thị trường sẽ có thể đi xuống, có ít khả năng là nó sẽ không đi lên. Những phát hiện này không gây ngạc nhiên. Một sự thực đáng buồn là các CFO không biết rằng những dự báo của họ thật sự không có giá trị gì.
Cùng với phỏng đoán tốt nhất của họ về lợi nhuận S&P, những người tham gia đã cung cấp hai ước tính khác: Một trị giá mà họ đặt ở mức 90% chắc chắn sẽ quá cao và trị giá mà họ đặt ở mức 90% chắc chắn sẽ quá thấp. Phạm vi giữa hai trị giá này được gọi là một “khoảng tin cậy 80%” và các kết quả nằm ngoài khoảng được liệt vào “những bất ngờ”. Một cá nhân đặt các khoảng tin cậy vào nhiều thời điểm kỳ vọng khoảng 20% các kết quả trở thành những bất ngờ. Như vẫn thường xuyên xảy ra trong những bài thực hành như vậy, có quá nhiều những bất ngờ, phạm vi tác động của họ ở mức 67%, cao hơn gấp ba lần so với kỳ vọng. Điều này cho thấy rằng các CFO đã quá tin cậy về khả năng của họ để dự báo thị trường. Quá liều lĩnh là một sự biểu thị khác của WYSIATI: Khi chúng ta ước tính một đại lượng, chúng ta dựa vào thông tin xuất hiện trong đầu và thiết lập một câu chuyện mạch lạc trong đó sự ước tính tạo ra ý nghĩa. Tính đến việc thông tin không xuất hiện trong đầu – có lẽ vì đã không bao giờ biết tới, là không thể.
Các tác giả đã tính toán các khoảng tin cậy có thể đã làm giảm phạm vi ảnh hưởng của những ngạc nhiên tới 20%. Các kết quả thật ấn tượng. Để duy trì tỷ lệ của những ngạc nhiên ở ngưỡng kỳ vọng, các CFO hẳn đã phải tuyên bố năm này qua năm khác, “có một khả năng lên tới 80% lợi nhuận S&P vào năm tới sẽ ở giữa mức -10% và +30%.” Khoảng tin cậy phản ánh một cách thích đáng sự hiểu biết của các CFO (chính xác hơn là sự mù mờ của họ) rộng hơn gấp bốn lần so với các khoảng mà họ đã thực sự tuyên bố.
Tâm lý học xã hội xuất hiện trong bức tranh ở đây, bởi câu trả lời mà một CFO thật thà có thể sẽ đưa ra rõ ràng thật buồn cười. Một CFO thông báo với các đồng sự của mình rằng “đây là một cơ hội tốt để lợi nhuận S&P sẽ ở khoảng giữa -10% và +30%” có thể sẽ bị cười nhạo trong phòng họp. Khoảng tin tưởng rộng là một lời tự thú về sự kém hiểu biết, thứ không được xã hội chấp nhận đối với những người được trả lương để am hiểu các vấn đề tài chính. Ngay cả nếu họ đã mình hiểu như thế nào, các chuyên gia này sẽ bị trừng phạt vì việc thừa nhận điều đó. Vị Tổng thống nổi tiếng Truman đã yêu cầu được gặp một “Nhà kinh tế mặt khác”, ông đã phát ớn và chán nản với các nhà kinh tế cứ nhắc đi nhắc lại câu “Mặt khác thì …”
Các tổ chức có lời lẽ kiểu những dự đoán quá tin cậy có thể lĩnh lấy những hậu quả tai hại. Nghiên cứu về các CFO đã chỉ ra rằng những ai tin tưởng và lạc quan nhất về chỉ số S&P cũng đã quá tin và lạc quan về những triển vọng của doanh nghiệp của họ, doanh nghiệp gặp phải nhiều rủi ro hơn những doanh nghiệp khác. Như Nassim Taleb đã từng lập luận: Sự nhận thức không đúng về tính bất ổn của môi trường dẫn đến các tác nhân kinh tế, tự lĩnh lấy những rủi ro mà họ đã có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sự lạc quan được định giá cao, về mặt xã hội và trên thị trường: Người dân và các doanh nghiệp thường trả ơn cho những người cung cấp thông tin mạo hiểm và sai lạc hơn là thưởng công cho những người nói ra sự thực. Một trong những bài học về thảm họa tài chính đã dẫn tới cuộc Đại suy thoái, đó là có những thời kỳ trong đó sự cạnh tranh giữa các chuyên gia và các tổ chức đã tạo ra những lực lượng mạnh mẽ ủng hộ cho một tập hợp các hành động mù quáng trước nguy cơ và bất ổn.
Những áp lực xã hội và nền kinh tế có lợi cho niềm tin thái quá không hề bị hạn chế nhằm dự báo tài chính. Các chuyên gia khác cần phải đối phó với sự thực rằng: Một chuyên gia xứng đáng với danh xưng được kỳ vọng sẽ thể hiện sự tin cậy cao. Philip Tetlock đã quan sát thấy rằng hầu hết các chuyên gia quá tự tin là những người có khả năng được đề nghị khoe khoang ngón nghề của mình trên chương trình thời sự nhất. Sự quá tự tin cũng có vẻ là đặc thù trong y học. Một cuộc nghiên cứu về những bệnh nhân đã qua đời ở ICU đã so sánh các kết quả khám nghiệm tử thi với chẩn đoán mà các bác sĩ đã cung cấp khi các bệnh nhân vẫn còn sống. Các bác sĩ cũng đã báo cáo về sự tin chắc của mình. Kết quả: “Các bác sĩ lâm sàng đã ‘hoàn toàn chắc chắn’ về chẩn đoán bệnh nhân trước khi chết đã sai 40%.” Tiếp nữa, sự tin chắc của chuyên gia được cổ súy bởi các bệnh nhân của họ: “Nhìn chung, đó được coi như là một sự yếu kém và là một tín hiệu dễ tổn thương đối với các bác sĩ lâm sàng có vẻ như không chắc chắn. Sự tự tin bị đánh giá là không chắc chắn và đó là một sự chỉ trích phổ biến chống lại việc phơi bày tình trạng không rõ ràng trước các bệnh nhân.” Các chuyên gia thừa nhận rằng, mức độ đầy đủ của sự kém hiểu biết của họ có thể hy vọng được thay thế bởi những đối thủ cạnh tranh tự tin hơn, những người này có khả năng tốt hơn để đạt được sự tin tưởng của khách hàng. Một đánh giá khách quan về sự bất định là nền tảng cho sự hợp lý – nhưng đó không phải là những gì mà người dân và các tổ chức muốn. Tình trạng bất định cực đoan bị làm cho tê liệt trong những tình huống nguy hiểm và sự thừa nhận mà ai đó chỉ đơn thuần đang phỏng đoán đặc biệt không thể chấp nhận được khi các nguy cơ ở mức cao. Hành động dựa theo tri thức giả vờ thường là giải pháp ưa thích.
Khi cùng một lúc các yếu tố tình cảm, nhận thức và xã hội xuất hiện hỗ trợ cho sự lạc quan quá mức thì đó là một sự pha trộn mạnh mẽ, đôi lúc nó dẫn người ta tới việc chấp nhận những rủi ro mà lẽ ra họ có thể tránh được nếu họ biết rõ sự chênh lệch. Không có căn cứ nào để những người chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực kinh tế nảy sinh một ham muốn bất thường đối với những ván bài cùng với khoản đặt cược lớn, họ chỉ ít nhận thức được những rủi ro hơn những người nhút nhát hơn họ. Tôi và Dan Lovallo đã đưa ra cụm từ “những dự báo liều lĩnh và những quyết định rụt rè” để miêu tả nền tảng của việc chấp nhận rủi ro.
Những tác động của sự lạc quan cao độ trong việc ra quyết định, tốt nhất, là một sự may mắn pha trộn, nhưng sự đóng góp của tính lạc quan đối với một sự thực hiện tốt chắc chắn là một yếu tố tích cực. Ích lợi chính của tính lạc quan là tính kiên cường khi đối mặt với những thất bại. Theo như Martin Seligman, nhà sáng lập của bộ môn Tâm lý học tích cực: Một “cách thức giải thích lạc quan” góp phần vào tính kiên cường bằng việc bảo vệ sự tự nhận thức về bản thân của một ai đó. Về bản chất, phong cách lạc quan liên quan tới việc có được niềm tin cho những thành công, nhưng có một chút chấp nhận những thất bại. Phong cách này có thể được truyền dạy, ít nhất là ở một mức độ nào đó và Seligman đã ghi nhận những tác động của việc đào tạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau có đặc điểm là một tỷ lệ thất bại cao, ví dụ như những cuộc tiếp xúc bán hàng không hẹn trước trong ngành Bảo hiểm (một nghề phổ biến trong thời kỳ trước khi có internet). Khi một bà nội trợ tức giận đóng sầm cánh cửa trước mặt ai đó, suy nghĩ “bà ta quả là một người phụ nữ ghê gớm” rõ ràng tốt hơn “mình là một nhân viên bán hàng vớ vẩn.” Tôi vẫn luôn tin rằng nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực khác, nơi một hình mẫu của sự lạc quan là cần thiết cho sự thành công: Tôi vừa mới gặp một nhà khoa học thành đạt thiếu khả năng cường điệu tầm quan trọng của những gì ông ấy đang làm và tôi cũng tin rằng một vài người thiếu một chiều hướng ảo tưởng có ý nghĩa sẽ nản chí trong khi đối mặt với những trải nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần những thất bại nhỏ và chỉ có những thành công hiếm hoi, đây là số phận chung của hầu hết các nhà nghiên cứu.
MÔ PHỎNG BIẾN CỐ: BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC MỘT PHẦN
Liệu sự lạc quan thái quá có thể khắc phục bằng cách đào tạo? Tôi không lạc quan cho lắm. Đã có rất nhiều nỗ lực để đào tạo con người nhằm làm rõ những khoảng tin cậy phản ánh tính mơ hồ trong những phán quyết của họ, chỉ với một vài báo cáo về sự thành công khiêm tốn. Một ví dụ thường được trích dẫn, đó là việc các nhà địa chất tại Royal Dutch Shell đã trở nên thiếu tự tin hơn trong những đánh giá của họ về các khu vực khoan thăm dò tiềm năng sau khi hoạt động đào tạo với tổ hợp các trường hợp trong quá khứ mà kết quả đã được biết tới. Trong các tình huống khác, sự quá tự tin đã được giảm nhẹ (nhưng không bị loại trừ) khi những người đưa ra quyết định được khuyến khích xem xét tới những giả thuyết cạnh tranh. Tuy nhiên, tự tin thái quá là một hệ quả trực tiếp từ những đặc trưng của Hệ thống 1 mà có thể được kiểm soát nhưng không bị mất đi. Trở ngại chính đó là sự tin tưởng chủ quan được định đoạt bởi câu chuyện mạch lạc mà ai đó đã thiết lập nên, chứ không phải bởi chất lượng và số lượng thông tin hỗ trợ cho chúng.
Các tổ chức có thể có khả năng kiểm soát sự lạc quan cá thể tốt hơn một cá nhân. Ý tưởng tốt nhất cho việc thực hiện những điều ấy đã được đưa ra bởi Gary Klein, “người cộng tác đối lập” của tôi, người vẫn thường bảo vệ việc ra quyết định trực quan nhằm chống lại những tuyên bố về sự sai lệch và ông là người căm ghét một cách điển hình các thuật toán. Ông gán cho bản đề xuất của mình cái tên premortem. Quy trình rất đơn giản: Khi tổ chức gần đi tới một quyết định quan trọng nhưng vẫn chưa chính thức thẳng thắn đưa ra ý kiến của riêng mình, Klein đề xuất triệu tập một cuộc họp ngắn gọn với một nhóm các cá nhân am hiểu về quyết định. Cơ sở cho buổi họp là một đoạn phát biểu ngắn: “Hãy hình dung rằng chúng ta đang tiến thêm một năm vào tương lai. Chúng ta đã thực hiện kế hoạch như đang có bây giờ. Kết quả thu được quả là một thảm họa. Hãy dành ra 5 tới 10 phút để viết một bản tóm tắt quá trình dẫn tới thảm họa đó.”
Ý tưởng của Gary Klein về việc mô phỏng biến cố thường gợi lên sự hăng hái tức thì. Sau khi tôi đã mô tả quá trình ấy một cách tình cờ tại một phiên họp ở Davos, một vài người đằng sau tôi xì xào: “Thật đáng giá khi tới Davos chỉ vì điều này!” (Sau đó tôi đã nhận ra rằng người nói câu ấy là CEO của một Tập đoàn đa quốc gia lớn.) Sự mô phỏng biến cố có hai lợi thế lớn: Nó vượt qua được lối suy nghĩ tập thể tác động lên rất nhiều nhóm một khi quyết định có vẻ như đã được thực thi, và nó giải phóng trí tưởng tượng của những cá nhân am hiểu trong một hướng rất cần thiết.
Khi một nhóm cùng hướng đến một quyết định và đặc biệt khi người trưởng nhóm tiết lộ những gì sẽ làm – những ngờ vực công khai về sự sáng suốt của những bước đi đã được tính toán dần dần bị chặn lại và sau cùng đi tới mức bị coi như chứng cứ của lòng trung thành bị rạn nứt đối với nhóm và những người lãnh đạo nhóm. Cuộc ngăn chặn của sự nghi ngờ góp phần vào niềm tin thái quá trong một nhóm nơi chỉ những người ủng hộ cho quyết định mới có tiếng nói. Ưu điểm chính của việc mô phỏng biến cố đó là nó hợp pháp hóa những nghi ngại. Hơn nữa, nó cổ vũ cho ngay cả những người ủng hộ cho quyết định nhằm tìm kiếm những mối đe dọa tiềm năng mà họ đã không nhận ra trước đó. Việc mô phỏng biến cố không phải là một phương thuốc trị bách bệnh và cũng không cung cấp sự bảo vệ toàn diện nhằm chống lại những ngạc nhiên khó chịu, nhưng bằng một cách nào đó góp phần giảm thiểu thiệt hại từ những kế hoạch dễ bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng của WYSIATI và sự lạc quan không nguyên tắc.
BÀN VỀ SỰ LẠC QUAN
“Họ có một ảo tưởng về sự kiểm soát. Họ thực sự đánh giá thấp những trở ngại.”
“Họ dường như bị tổn hại từ một trường hợp điển hình về sự sao nhãng đối thủ cạnh tranh.”
“Đó là một trường hợp về niềm tin thái quá. Họ có vẻ như tin rằng họ biết nhiều hơn những gì họ thực sự biết.”
“Chúng ta nên tiến hành một cuộc họp mô phỏng biến cố. Một số người có thể nhận thức được một hiểm họa mà chúng ta đã bỏ qua.”
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment

Bình Luận

Liên Hệ

Name

Email *

Message *