Người giàu suy nghĩ “cả hai”. Người nghèo nghĩ “một trong hai”.
Người giàu sống trong thế giới của sự sung túc, còn người nghèo sống trong thế giới của các giới hạn. Trên thực tế, cả hai vẫn cùng sống trong cùng một thế giới vật chất, nhưng sự khác biệt nằm trong cách nhìn của mỗi người.
Người nghèo và đa số người thuộc tầng lớp trung lưu xuất thân từ cảnh khốn khó. Họ sống theo phương châm: “Của cải trên thế gian này chỉ có bấy nhiêu thôi, chừng đó không bao giờ đủ để chia cho tất cả mọi người, và bạn không thể có được mọi thứ bạn muốn”. Mặc dù bạn không có khả năng để có tất cả, nhưng tôi nghĩ bạn hoàn toàn có khả năng có “tất cả mọi thứ bạn thật sự mong muốn”.
Bạn muốn một sự nghiệp thành công hay một gia đình hòa thuận, ấm êm? Cả hai! Bạn muốn tập trung vào công việc hay được vui chơi thỏa thích? Cả hai! Bạn muốn có nhiều tiền hay muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống? Cả hai! Bạn muốn tạo dựng cả gia tài lớn hay được làm công việc bạn thích? Cả hai! Thế nhưng người nghèo luôn chỉ chọn một trong hai, trong khi người giàu chọn cả hai.
Người giàu hiểu rằng chỉ cần một chút sáng tạo thôi, bạn đã có thể tìm ra giải pháp để đạt được kết quả hoàn
hảo nhất của cả hai khái niệm tưởng như mâu thuẫn đó. Vậy thì từ thời điểm này đây, khi phải đối diện với khả năng lựa chọn “một trong hai”, bạn nên tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để đạt được cả hai?”. Câu hỏi này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn, đưa bạn từ thế giới chật hẹp của các giới hạn sang vũ trụ rộng lớn của những khả năng bất tận và sự giàu có, sung túc.
Điều này không chỉ liên quan đến những thứ vật chất mà bạn muốn có, mà còn liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ví dụ, tôi phải làm việc với một nhà cung cấp đang bực bội vì cho rằng công ty Peak Potentials của tôi phải thanh toán một số chi phí phát sinh không được thỏa thuận ngay từ ban đầu. Quan điểm của tôi rất rõ ràng: việc tính toán chi phí của anh ta là việc của anh ta, không phải của tôi; và nếu anh ta than phiền rằng các chi phí phát sinh quá cao, thì anh ta phải xem xét lại quy trình làm việc. Tôi phát ngán và chỉ muốn tìm một nhà cung cấp mới cho hợp đồng tiếp theo, nhưng tôi là người biết giữ chữ tín và bao giờ cũng thực hiện đầy đủ những điều khoản đã được cam kết. Lúc tôi túng quẫn và hết sức chật vật về tài chính, tôi sẽ ngồi xuống bàn luận với mục đích bày tỏ quan điểm của tôi và khẳng định rằng tôi không trả thêm cho gã đó dù chỉ một xu ngoài số tiền hai bên đã thỏa thuận. Và dù tôi vẫn muốn giữ anh ta làm nhà cung cấp, nhưng việc này có thể sẽ kết thúc bằng một vụ tranh chấp lớn. Tôi sẽ nghĩ rằng hoặc anh ta thắng, hoặc tôi thắng.
Giờ đây, nhờ đã tập luyện cách suy nghĩ “cả hai”, tôi sẽ tiến hành cuộc thảo luận này với một tâm thế hoàn toàn cởi mở để tìm ra tình huống “lưỡng toàn kỳ mỹ”, nghĩa là tôi không phải trả thêm tiền và anh ta cũng cảm thấy hài lòng với cách dàn xếp mà cả hai bên đều nhất trí. Nói cách khác, mục đích của tôi là có cả hai!
Hay một ví dụ khác. Vài tháng trước, tôi quyết định mua ngôi nhà nghỉ ở Arizona. Tôi đã tìm kiếm khắp khu vực mà tôi yêu thích. Tất cả các đại lý môi giới bất động sản trong vùng đều nói với tôi rằng nếu tôi muốn một ngôi nhà có ba phòng ngủ và một phòng làm việc, tôi sẽ phải bỏ ra trên một triệu đô-la. Ý định của tôi là chỉ đầu tư vào đây số tiền dưới một triệu đô-la. Trong trường hợp này, phần lớn mọi người sẽ hạ thấp yêu cầu của mình hoặc nâng cao ngân sách đầu tư dự kiến. Tôi từ chối cả hai phương án đó. Mới đây, tôi vừa nhận được điện thoại rằng chủ một ngôi nhà trong đúng khu vực tôi cần với số phòng như tôi muốn, vừa giảm giá 200.000 đô-la, xuống dưới con số một triệu. Đó là một minh chứng nữa cho xu hướng muốn có cả hai!
Đã không ít lần tôi nói với cha mẹ mình rằng tôi không muốn trở thành nô lệ cho công việc mà mình không hề hứng thú, và rằng tôi sẽ “làm giàu bằng những công việc tôi yêu thích”. Tôi nhớ câu trả lời của họ thường là: “Đừng có mơ tưởng hão huyền. Cuộc sống không phải nơi toàn là màu hồng đâu con ạ”. Họ còn nói: “Kinh doanh là kinh doanh, giải trí là giải trí. Trước hết con phải lo kiếm sống đã, rồi sau đó nếu còn có thời gian thì hãy nghĩ đến việc tận hưởng cuộc sống”.
Tôi còn nhớ mình đã tự nhủ: “Hừm, mình mà nghe theo lời cha mẹ thì rồi mình cũng sẽ có kết cục như họ thôi. Không. Mình phải có cả hai!”. Điều đó khó không? Chắc chắn rồi. Thỉnh thoảng, tôi vẫn phải làm những công việc chán ngấy trong một hay hai tuần để có tiền trang trải các khoản sinh hoạt phí như ăn uống, thuê nhà... Nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ ý chí “phải có cả hai”. Tôi không chấp nhận yên vị với công việc hay lĩnh vực kinh doanh mà mình không thích. Và cuối cùng, tôi đã trở nên giàu có khi làm những việc tôi yêu thích. Bây giờ, khi tôi biết rằng điều đó là hoàn toàn có thể thực hiện được, tôi tiếp tục chỉ theo đuổi những công việc và những dự án tôi yêu thích. Tuyệt vời hơn cả là giờ đây tôi có cơ hội hướng dẫn những người khác làm điều đó.
Không ở đâu mà cách suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như trong lĩnh vực tài chính. Người nghèo và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng họ phải lựa chọn giữa tiền bạc và những yếu tố khác trong cuộc sống. Kết quả là họ cho rằng tiền không quan trọng bằng những thứ khác.
Tôi xin nhấn mạnh lần nữa: Tiền rất quan trọng! Thật lố bịch khi ai đó khẳng định rằng tiền bạc không quan trọng bằng bất kỳ thứ gì khác trong cuộc sống. Bạn nghĩ đối với con người chúng ta, cái gì quan trọng hơn, chân hay tay? Hay cả hai đều quan trọng như nhau?
Tiền bạc là chất bôi trơn cho phép bạn “trượt” đi trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng, êm ái, thay vì bị trầy xước liên miên. Tiền bạc mang cho bạn sự tự do – tự do mua những gì bạn muốn, tự do làm những công việc bạn yêu thích trong khoảng thời gian của mình. Tiền bạc cho phép bạn hưởng thụ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống, cũng như tạo cho bạn cơ hội giúp đỡ người khác có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên hết, tiền bạc cho phép bạn không phải tiêu hao năng lượng để lo lắng về việc không có tiền.
Hạnh phúc cũng quan trọng. Tuy nhiên, đây là điểm người nghèo và giới trung lưu ít khi phân biệt rõ ràng. Rất nhiều người tin rằng tiền bạc và hạnh phúc là hai phạm trù loại trừ lẫn nhau, rằng bạn chỉ có thể hoặc giàu, hoặc hạnh phúc. Cách nghĩ này là kết quả sự cài đặt và định hướng sai lầm của tâm thức vốn hình thành từ trong quá khứ.
Những người giàu theo đúng nghĩa của từ này đều hiểu rằng bạn phải có cả hai, Tương tự như việc bạn phải có đủ hai chân và hai tay, bạn phải có cả tiền bạc và hạnh phúc.
Bạn có thể vừa có bánh ngọt, lại vừa được ăn bánh!
Đây là sự khác biệt cơ bản giữa người giàu, giới trung lưu và người nghèo:
Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”.
Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”.
Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có chiếc bánh ngọt, nên họ gọi một chiếc bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 28:
Người giàu tin rằng: “Bạn có thể vừa có chiếc bánh ngọt, lại vừa được ăn chiếc bánh đó”.
Người trung lưu nói: “Bánh ngọt quá đắt, nên tôi sẽ chỉ có một miếng nhỏ thôi”.
Người nghèo không tin rằng họ xứng đáng có một chiếc bánh ngọt, nên họ gọi món bánh rán rỗng ruột rồi cứ nhìn vào lỗ thủng đó mà thắc mắc tại sao họ “không có gì”.
Tôi hỏi bạn, bạn có “chiếc bánh” để làm gì nếu bạn không ăn được? Vậy bạn định làm gì với nó? Đặt lên bàn và ngồi ngắm suốt buổi tối chăng? Bánh ngọt là để ăn và thưởng thức cơ mà.
Kiểu suy nghĩ quanh quẩn “chọn cái này hay cái kia” luôn tồn tại trong đầu óc những người tin rằng: “Nếu tôi có nhiều hơn, thì một người nào đó sẽ có ít đi”. Suy nghĩ này không là gì khác ngoài nỗi lo lắng và bản năng tự vệ hình thành trong tâm trí. Thật phi lý khi bạn cho rằng do người giàu trên thế giới tích cóp tất cả tiền bạc nên không còn gì để lại cho những người khác.
Một chi tiết mà những người có niềm tin sai lệch này không nhận ra là đồng tiền có thể quay vòng để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người. Tôi dẫn ra đây một ví dụ thường được sử dụng trong các buổi hội thảo của chúng tôi. Tôi yêu cầu năm người bước lên bục và cầm theo một vật gì đó. Tôi bảo họ đứng thành vòng tròn rồi tôi đưa cho người đầu tiên một tờ 5 đô-la và yêu cầu họ dùng số tiền đó để mua thứ mà người thứ hai mang theo. Giả sử đó là cây bút. Giờ người thứ hai đã có 5 đô-la và anh ta lại dùng 5 đô-la này để mua, một bìa hồ sơ chẳng hạn, từ người thứ ba. Theo cách đó, đồng 5 đô-la cứ thế chuyền đi cho đến khi qua hết cả năm người. Tờ 5 đô-la được sử dụng để mang lại giá trị cho những người có nó, nghĩa là 5 đô-la khi qua tay năm người khác nhau sẽ tạo ra giá trị 5 đô-la cho mỗi người, hay tổng giá trị 25 đô-la cho cả nhóm. Đồng 5 đô-la đó không mất đi mà chỉ luân chuyển để tạo ra giá trị cho tất cả mọi người.
Những bài học rút ra ở đây rất rõ ràng. Thứ nhất, tiền không bị mất đi; với cùng một số tiền, bạn có thể sử dụng nhiều lần từ năm này qua năm khác và tạo ra giá trị cho hàng nghìn người. Thứ hai, bạn càng có nhiều tiền thì bạn càng đưa nhiều tiền vào lưu thông, sau đó những người khác càng có nhiều tiền hơn để sử dụng số tiền đó trong việc mua bán và thu được giá trị lớn hơn.
Điều đó hoàn toàn đối lập với suy nghĩ “chọn một trong hai”. Ngược lại, khi bạn có tiền và sử dụng đồng tiền đó, cả bạn và người mà bạn đưa tiền sẽ đều tạo ra giá trị.
Nói cách khác, nếu bạn lo lắng về người khác và về phần giá trị mà họ sẽ được nhận (nếu có phần đó), hãy làm tất cả những gì cần thiết để trở nên giàu có. Khi đó, bạn có thể phát tán tiền ra khắp xung quanh.
Tôi nhắc lại rằng bạn có thể vừa là một người tốt bụng, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người, hào phóng, có tâm hồn trong sáng, vừa là một người giàu thật sự. Tôi thật lòng khuyên bạn hãy xua đi cái ý nghĩ hoang đường rằng dù dưới bất kỳ hình thức nào thì tiền bạc cũng là thứ tệ hại, hay bạn sẽ bớt “tốt bụng” hơn hay ít “trong sạch” hơn nếu bạn giàu có. Niềm tin này tuyệt đối như món xúc xích Ý (nếu bạn đã mệt mỏi với từ vớ vẩn), và nếu bạn cứ tiếp tục ăn thì bạn sẽ không chỉ béo phì, mà bạn sẽ vừa bị béo phì, vừa túng quẫn.
Thưa các bạn, việc là người tốt bụng, hào phóng và biết yêu thương không có mối liên hệ nào với những thứ có hoặc không có trong ví bạn, mà lại có quan hệ mật thiết với những thứ nằm trong đầu bạn. Việc bạn là người trong sạch và có tâm hồn cũng không hề can dự đến số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn mà lại bắt nguồn từ những thứ chất chứa trong tâm hồn bạn. Cách nghĩ rằng tiền bạc biến đổi tính cách, khiến bạn trở thành người tốt hay xấu là cách nghĩ “một trong hai”, là thứ “rác rưởi được lập trình” và không hề hỗ trợ cho hạnh phúc và thành công của bạn.
Điều đó cũng không giúp ích gì cho những người xung quanh bạn, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu bạn vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn đó và chọn cách trở thành một người tốt, hãy “tốt vừa đủ” để khỏi đầu độc thế hệ sau bằng thứ niềm tin làm suy yếu bản thân, thứ niềm tin mà bạn có thể đã vô tình tiếp nhận từ cha mẹ mình.
Nếu bạn thật sự không muốn tự nhốt mình trong một cuộc sống chỉ có các giới hạn, thì dù ở hoàn cảnh nào bạn cũng nên nhanh chóng thoát khỏi lối mòn của tư duy “chỉ một trong hai” và quyết tâm để có “cả hai”.
TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...
“Tôi luôn suy nghĩ ’cả hai’!”
Rồi bạn đặt tay lên trán và nói...
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ
1. Hãy tập suy nghĩ và sáng tạo ra những phương cách để có “cả hai”. Bất cứ khi nào bạn phải lựa chọn giữa hai khả năng, hãy hỏi bản thân: “Làm thế nào để có cả hai?”.
2. Hãy nhận thức rằng tiền bạc luân chuyển sẽ làm tăng giá trị cho cuộc sống của tất cả mọi người. Mỗi khi bạn tiêu tiền, hãy tự nói với mình: “Số tiền này sẽ qua tay hàng trăm người và tạo ra giá trị cho tất cả những người đó”.
3. Hãy nghĩ về bản thân như một mẫu người tốt bụng, hào phóng, biết yêu thương mọi người, và giàu có!
No comments:
Post a Comment