Bí mật tư duy triệu phú chương 18

Người giàu chú trọng vào tổng tài sản.
Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ việc làm.
Khi nhắc đến tiền bạc, mọi người trong xã hội chúng ta thường có chung một câu hỏi: “Bạn kiếm được bao nhiêu tiền?”. Rất hiếm khi bạn nghe câu: “Tổng tài sản của bạn là bao nhiêu?”. Rất ít người hỏi kiểu này, có lẽ chỉ trừ ở các câu lạc bộ thể thao ngoài trời.
Trong các câu lạc bộ đó, chủ đề thảo luận tài chính luôn xoay quanh con số tổng tài sản: “Jim vừa bán cổ phần của anh ta và hiện nay anh ta có hơn ba triệu. Công ty của Paul vừa được chuyển đổi thành công ty cổ phần và tổng tài sản của anh ta giờ trị giá tám triệu. Sue vừa bán doanh nghiệp của cô ấy; bây giờ tổng tài sản của cô ấy đáng giá
12 triệu”. Ở các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, bạn sẽ không nghe những câu hỏi đại loại như: “Này, bạn có biết Joe vừa được tăng lương không? Chà chà, và tăng hai phần trăm trợ cấp sinh hoạt nữa chứ”. Nếu bạn nghe thấy câu đó, bạn phải hiểu rằng bạn đang nghe một người khách vãng lai chỉ tình cờ ghé qua.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 29:
Thước đo chính xác của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải thu nhập từ việc làm.
Thước đo của sự giàu có là tổng tài sản, chứ không phải là thu nhập từ việc làm của bạn. Trước kia như vậy và sau này cũng sẽ mãi mãi là như vậy. Tổng tài sản là giá trị tài chính của mọi thứ bạn đang sở hữu. Để xác định tổng tài sản, bạn hãy cộng giá trị tất cả những tài sản mà bạn có bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư như cổ phần, trái phiếu, bất động sản, giá trị hiện tại của doanh nghiệp của bạn (nếu có), giá trị ngôi nhà bạn đang ở nếu bạn là chủ sở hữu, rồi sau đó đem trừ đi toàn bộ các khoản nợ của bạn. Tổng tài sản là thước đo tuyệt đối và chính xác nhất của sự giàu có, bởi vì nếu cần, những gì bạn sở hữu có thể được quy đổi thành tiền mặt.
Người giàu hiểu rõ sự khác biệt khổng lồ giữa thu nhập từ việc làm và tổng tài sản. Thu nhập từ việc làm là yếu tố quan trọng, nhưng chỉ là một trong bốn yếu tố làm nên tổng tài sản của bạn. Bốn yếu tố đó là:
1. Thu nhập
2. Tiền tiết kiệm
3. Các khoản đầu tư
4. Sự “đơn giản hóa”.
Người giàu biết rằng quá trình xây dựng tổng tài sản chính là khoảng thời gian cần có để giải phương trình chứa tất cả bốn ẩn số đó. Bởi vì tất cả đều giữ vai trò riêng nên chúng ta hãy xem xét lần lượt từng yếu tố.
Thu nhập tồn tại dưới hai hình thức: thu nhập từ việc làm và thu nhập thụ động. Thu nhập từ việc làm là số tiền bạn kiếm được từ lao động thực tế, bao gồm lương, nếu bạn là người làm công, hoặc là các khoản lợi nhuận hay thu nhập từ hoạt động kinh doanh, nếu bạn là chủ doanh nghiệp. Thu nhập từ việc làm đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian và công sức. Đây là khoản thu nhập quan trọng, vì không có nó thì bạn hầu như không thể đến với ba yếu tố kia được.
Có thể ví thu nhập từ việc làm như cách chúng ta đổ đầy “chiếc phễu tài chính” của mình vậy. Khi mọi chi tiết và giá trị được xem là tương đương nhau, thì khi nguồn thu nhập từ việc làm của bạn càng nhiều, bạn sẽ càng có điều kiện thuận lợi để tiết kiệm và đầu tư. Dù đóng vai trò chủ chốt, nhưng thu nhập này cũng chỉ có giá trị như một phần của toàn bộ phương trình tổng tài sản nêu trên.
Đáng tiếc là người nghèo và nhiều người thuộc giới trung lưu chỉ chú trọng vào thu nhập từ việc làm mà xem nhẹ các yếu tố còn lại.
Thu nhập thụ động là số tiền bạn kiếm được mà không phải thật sự bỏ sức lao động. Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về thu nhập thụ động ở phần sau, còn bây giờ hãy coi
đó như một nguồn thu nhập khác cùng chảy vào “chiếc phễu tài chính”, là thu nhập mà sau đó có thể được sử dụng để chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư.
Các khoản tiết kiệm cũng là một thành phần thiết yếu của tổng tài sản. Bạn có thể kiếm được những khoản tiền lớn, nhưng nếu bạn không giữ lại được chút gì từ số tiền này, thì bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có. Nhiều người lập kế hoạch tài chính trong tâm thức nhưng chỉ hướng đến việc tiêu xài. Bao nhiêu tiền làm ra, họ đều tiêu sạch. Họ chọn sự thỏa mãn nhất thời, chứ không phải sự cân đối tài chính dài hạn.
Những người theo trường phái chi tiêu có ba câu cửa miệng là: “Đó chỉ là tiền thôi” - vì thế họ không có nhiều tiền; “Cái gì đi, rồi sẽ đến” - ít nhất là họ hy vọng thế; và “Xin lỗi, lúc này tôi không thể. Tôi đang khánh kiệt”. Không tạo ra thu nhập để rót vào “chiếc phễu tài chính” và không có các khoản tiết kiệm để giữ lại những gì bạn kiếm được, bạn sẽ không có tiền để phân bổ cho các thành phần tiếp theo của tổng tài sản.
Khi bắt đầu để dành được một phần kha khá trong thu nhập của mình, bạn có thể tiến tới giai đoạn tiếp theo là làm cho số tiền của bạn tăng lên thông qua các kênh đầu tư khác nhau. Nói chung, bạn càng thành công trong lĩnh vực đầu tư, thì số tiền bạn có càng tăng nhanh hơn và sản sinh ra một tài sản lớn hơn. Người giàu luôn dành thời gian và công sức để tìm hiểu về hoạt động đầu tư và
nghiên cứu, phân tích các vụ đầu tư. Họ tự hào mình là nhà đầu tư tuyệt vời, hay ít nhất là thuê được các nhà đầu tư tuyệt vời để giúp quản lý và đầu tư số tiền của họ. Người nghèo nghĩ đầu tư là lĩnh vực chỉ dành cho người giàu. Họ không bao giờ để tâm tìm hiểu về hoạt động đầu tư và kết quả là họ không bao giờ thoát khỏi cảnh bần cùng. Bạn thấy đấy, mọi yếu tố trong phương trình tổng tài sản đều quan trọng.
Thành phần thứ tư trong tổng tài sản của chúng ta là “chú ngựa đen” trên bàn cờ, bởi hiếm có người nhận ra tầm quan trọng của nó trong việc tạo nên sự thịnh vượng. Đó là thành phần “đơn giản hóa”. Yếu tố này song hành với việc tiết kiệm tiền, nhờ đó bạn có thể chủ động tạo ra một cách sống mà bạn không cần tiêu tốn quá nhiều tiền. Bằng việc cắt giảm hợp lý các khoản phí sinh hoạt, bạn sẽ làm cho số tiền tiết kiệm của mình tăng lên và như thế số tiền trong quỹ dành để đầu tư cũng tăng theo.
Câu chuyện dưới đây về một trong những người từng tham dự hội thảo Tư Duy Triệu Phú sẽ minh họa cho sức mạnh của yếu tố “đơn giản hóa” trong việc tạo dựng tổng tài sản.
Khi Sue chỉ mới 23 tuổi, cô đã có quyết định của một người từng trải, thông thái và khôn ngoan: mua một căn nhà. Lúc ấy, cô chỉ phải trả chưa đầy 300.000 đô-la. Bảy năm sau, đúng thời điểm thị trường bất động sản đang sôi sục, Sue bán căn nhà đó với giá hơn 600.000 đô-la, nghĩa là
cô lời hơn 300.000 đôla. Cô nghĩ ngay đến việc mua một căn nhà mới. Tuy nhiên, sau khi tham dự buổi hội thảo Tư Duy Triệu Phú, cô nhận ra rằng nếu đầu tư tiền đó vào một tài sản thế chấp bảo đảm thứ hai với lãi suất 10% và đơn giản hóa cách sống của mình, cô sẽ có thể sống thoải mái bằng tiền lãi từ các thương vụ đầu tư và thậm chí cô không cần phải làm việc nữa. Vậy là thay vì mua một căn nhà mới, cô chuyển đến sống với người chị gái. Giờ đây ở tuổi 30, Sue đã là người tự do về tài chính, nhưng không phải bằng cách kiếm ra một đống tiền, mà bằng cách giảm bớt chi phí sinh hoạt cá nhân một cách hợp lý và có ý thức. Tất nhiên, cô vẫn làm việc, nhưng là vì cô yêu thích công việc đó, chứ cô không buộc phải làm việc để mưu sinh. Mỗi năm cô chỉ làm việc sáu tháng, thời gian còn lại cô đến sống tại đảo Fiji, trước hết vì cô yêu nơi này, và còn một lý do nữa, cô nói, là vì tiền của cô tiếp tục tăng lên khi cô ở đó. Cô sống giản dị như những người dân địa phương, chứ không phải theo kiểu khách du lịch nên hầu như cô không mấy khi tiêu đến tiền. Liệu có bao nhiêu người được như thế: sống mỗi năm sáu tháng trên một vùng đảo nhiệt đới, không cần phải làm việc khi chỉ ở độ tuổi 30? 40 thì sao?
50? 60? Đến già? Sue làm được điều đó bởi cô đã tạo thói quen sống một cách giản dị và nhờ đó mà cô không cần đến một gia tài lớn để làm chỗ dựa.
Còn bạn, bạn cần bao nhiêu tiền để có cảm giác thoải mái về tài chính? Nếu bạn phải sống trong tòa biệt thự lớn, sở hữu ba căn nhà nghỉ, có mười chiếc xe hơi, hàng năm đi
du lịch nước ngoài, ăn trứng cá hồi và uống sâm-banh ngon nhất để tận hưởng cuộc sống, thì tuy điều đó rất tốt, nhưng hãy công nhận rằng bạn đặt mục tiêu hơi cao và có thể sẽ cần rất nhiều thời gian mới đạt đến hạnh phúc theo mức chuẩn của bạn.
Mặt khác, nếu bạn không cần tất cả những “vật giải trí” kia mà vẫn có thể hạnh phúc, bạn sẽ có khả năng chạm tay vào mục tiêu tài chính sớm hơn nhiều.
Tôi nhắc lại, xây dựng tổng tài sản là cân bằng một phương trình có bốn ẩn số. Việc này tương tự như lái một chiếc xe bốn bánh vậy. Chiếc xe sẽ chạy thế nào nếu bạn chỉ điều khiển được một bánh duy nhất? Hẳn là chiếc xe sẽ di chuyển chậm chạp, dằn xóc, xẹt lửa và quay vòng vòng. Trải nghiệm này chắc bạn đã từng biết qua rồi phải không? Người giàu điều khiển chiếc xe tài chính với cả bốn bánh xe cùng hoạt động tốt. Đó là lý do tại sao xe họ chạy nhanh, nhẹ nhàng, thẳng hướng và nói chung họ lái xe tương đối dễ dàng.
Tôi lấy hình ảnh chiếc xe để so sánh, bởi vì một khi bạn thành công, mục tiêu tiếp theo của bạn là sẽ chở những người khác cùng đi với mình.
Người nghèo và trung lưu cũng tham gia vào cuộc chơi tài chính, nhưng chiếc xe của họ lại chỉ có một bánh hoạt động. Họ tin rằng cách duy nhất để làm giàu là kiếm ra thật nhiều tiền. Họ tin như thế chỉ vì họ chưa bao giờ đến cái đích đó. Họ không hiểu định luật Parkinson rằng: “Chi tiêu sẽ luôn tăng tỷ lệ thuận với thu nhập”.
Đây là chuyện rất bình thường trong xã hội chúng ta. Bạn có một chiếc ô tô; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ tậu một chiếc tốt hơn. Bạn có một ngôi nhà; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ mua một ngôi nhà to hơn. Bạn có quần áo đẹp; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn mua nhiều quần áo đẹp hơn. Bạn có các kỳ nghỉ; khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ chi tiêu nhiều hơn cho những kỳ nghỉ đó. Tất nhiên, vẫn có một số ngoại lệ, nhưng rất hiếm hoi! Nói chung, khi thu nhập của bạn tăng lên, hầu như tất cả mọi chi phí đều đồng loạt tăng lên. Vậy nên bạn hiểu vì sao chỉ với một cách là kiếm thật nhiều tiền, bạn sẽ không bao giờ giàu có được.
Cuốn sách này có tựa đề Bí Mật Tư Duy Triệu Phú. Một triệu phú chọn thu nhập hay tổng tài sản? Tổng tài sản. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành triệu phú hay hơn thế, bạn phải chú tâm vào việc xây dựng tổng tài sản của mình dựa trên nhiều yếu tố, chứ không chỉ thu nhập từ việc làm của bạn, như chúng ta vừa thảo luận ở trên.
Hãy lên kế hoạch kiểm soát từng đồng trong tổng tài sản của bạn. Ở đây, tôi giới thiệu với bạn một bài tập có thể thay đổi cuộc sống tài chính của bạn mãi mãi.
Bạn lấy ra một tờ giấy trắng và ghi tiêu đề “Tổng tài sản”, rồi hãy lập một biểu đồ đơn giản bắt đầu từ số 0 và kết thúc bằng con số mà bạn xem là tổng tài sản mục tiêu của mình. Sau đó, bạn ghi tổng tài sản hiện có. Rồi cứ mỗi ba tháng bạn lại điền vào đây con số về tổng tài sản mới
của bạn. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu làm được như thế, bạn sẽ phát hiện ra mình đang ngày càng giàu lên. Tại sao? Bởi vì bạn sẽ theo dõi được tổng tài sản của mình.
Tôi vẫn hay nói với học viên trong các buổi hội thảo của chúng tôi là: “Ở đâu có sự chú tâm và nỗ lực, ở đó sẽ có thành quả”.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 30:
Ở đâu có sự chú tâm và nỗ lực, ở đó sẽ có thành quả.
Bạn theo dõi tổng tài sản của mình, nghĩa là bạn đang chú tâm vào đó, và do bạn chú tâm vào việc gì thì việc ấy sẽ mang lại kết quả, nên tổng tài sản của bạn sẽ tăng lên. Quy luật này cũng có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khác của cuộc sống: những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng.
Tôi khuyên bạn nên tìm kiếm và hợp tác với một nhà hoạch định tài chính giỏi - người có thể giúp xây dựng và theo dõi tổng tài sản của bạn. Họ sẽ hỗ trợ bạn quản lý tài chính, giúp bạn làm quen với nhiều công cụ tiết kiệm và đầu tư nhằm gia tăng đồng tiền của bạn.
Cách tốt nhất để tìm ra một nhà hoạch định tài chính giỏi là hỏi bạn bè, người thân hay tham khảo từ những tổ chức đã sử dụng dịch vụ của họ. Tôi không khuyên bạn tiếp thu tất cả những gì nhà hoạch định tài chính của bạn
nói và xem đó như một cẩm nang quản lý và phát triển tài sản. Tôi chỉ đề nghị bạn tìm một chuyên gia có đủ trình độ và kỹ năng để giúp bạn hoạch định và theo dõi vốn liếng của mình, cụ thể là sẽ cung cấp cho bạn những công cụ, phần mềm, kiến thức, những đề xuất giúp bạn xây dựng thói quen đầu tư có khả năng sinh lời cao. Nói chung, bạn nên tìm một nhà hoạch định có thể làm việc với một loạt sản phẩm và công cụ tài chính, chứ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bảo hiểm hay các quỹ tương hỗ. Bằng cách đó, bạn có thể khám phá ra nhiều chi tiết thú vị về các phương án đầu tư khác nhau, từ đó quyết định xem phương án nào phù hợp với bạn nhất.
TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...
“Tôi tập trung vào việc xây dựng tổng tài sản của tôi.”
Rồi bạn đặt tay lên trán và nói...
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ
1. Hãy tập trung vào cả bốn ẩn số của phương trình tổng tài sản là nâng cao thu nhập, tăng cường tiết kiệm, gia tăng kết quả đầu tư và cắt giảm chi phí sinh hoạt bằng cách đơn giản hóa lối sống của bạn.
2. Hãy lập bảng cân đối tổng tài sản bằng cách lấy tài sản (tổng giá trị hiện tại của tất cả mọi thứ bạn sở hữu) trừ tiêu sản (tổng giá trị tất cả các món nợ của bạn). Hãy đều
đặn theo dõi và điều chỉnh bảng cân đối này mỗi quý. Bạn đừng quên: Những gì bạn chú tâm và theo dõi ắt sẽ gia tăng.
3. Hãy thuê một nhà hoạch định tài chính thành công từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều công ty nổi tiếng và uy tín. Cách tốt nhất để tìm ra một nhà hoạch định tài chính giỏi là hỏi bạn bè hoặc các tổ chức đã biết họ và nhờ giới thiệu.
PRE NEXT 

No comments:

Post a Comment

Bình Luận

Liên Hệ

Name

Email *

Message *